Khảo sát của MasterCard Worldwide thực hiện trên khoảng 9.000 người thuộc 33 thành phố tại 17 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Họ được đánh giá mức độ hài lòng cuộc sống thông qua bốn hạng mục: công việc và tài chính, sự an toàn từ những đe dọa, sự thỏa mãn cuộc sống, hạnh phúc cá nhân. Chỉ số này được tính với điểm 0 cho thấy sự tiêu cực nhất, 100 là tích cực nhất và 50 là quan điểm trung lập.
Kết quả công bố ngày 5/1, Hà Nội xếp thứ 4 với 71 điểm. Thành phố Bangalore dẫn đầu với 73,2 điểm, Jakarta 72,1 điểm và Delhi 71,7 điểm. TP HCM đứng ở vị trí thứ 8 với 68 điểm. Hà Nội đạt điểm số “sự thỏa mãn cuộc sống” cao thứ nhì khu vực.
Nghiên cứu cho thấy người dân tại thành phố thuộc các quốc gia đang phát triển cảm thấy hài lòng về cuộc sống hơn dân tại những thành phố phát triển. Đáng chú ý là tương phản cao về mức độ áp lực giữa người dân đang sống tại những quốc gia phát triển và đang phát triển. Người dân tại thành phố phát triển cảm thấy áp lực hơn nhiều và kém lạc quan hơn khi nói đến vấn đề sức khỏe. Vấn đề mà người dân tại các thành phố phát triển và đang phát triển lo ngại ngang nhau là “sự an toàn từ những đe dọa”. Tội phạm tài chính và tội phạm mạng là những nguyên nhân cho sự lo ngại trên.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc về viễn cảnh đô thị hóa thế giới, 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở thành thị vào năm 2050. Hiện nhiều thành phố tại Châu Á - Thái Bình Dương phải đối phó với những thách thức đến từ sự gia tăng này. Nghiên cứu này giúp góp phần giúp các chính phủ và doanh nghiệp nhận thấy và giải quyết những lo ngại chính của cư dân thành thị.
Lê Phương