Khách du lịch có thể thoải mái đi dạo mà không sợ bị quấy rầy. Ảnh: Anh Tuấn |
Đó là những ghi nhận của phóng viên VnExpress sau một tháng (kể từ 1/9) Hà Nội triển khai đề án Giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn. Tại hồ Gươm, du khách đã có thể thoải mái tản bộ mà không phải bận tâm vì những đứa trẻ bán kẹo cao su, tranh ảnh lưu niệm đeo bám. Ông Nguyễn Bá Hùng, người thường xuyên đi tập thể dục ở đây, nhận xét: "Khu vực này đã yên ắng hơn, không còn cảnh trẻ tranh giành khách".
Tại cửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám, do có đội tự quản của phường Văn Miếu thường xuyên túc trực, giữ gìn an ninh trật tự nên không có bóng dáng của người xin ăn, người bán hàng rong chèo kéo du khách nước ngoài. Các công viên Lê Nin, Thống Nhất, Thủ Lệ cũng không còn là nơi ngủ trưa của những trẻ lang thang, trẻ đánh giày, bán vé số.
Trước những biện pháp kiên quyết của chính quyền địa phương, thành phố đã vắng bóng người lang thang. Tuy nhiên, nhiều đối tượng do sợ bị bắt đưa đi tập trung nên dạt về quê, hết đợt cao điểm lại tìm đường lên phố. Số còn trụ lại ở thành phố đã thay đổi cách hoạt động. Thay vì kiên trì bám theo khách cả ngày thì nay họ đi lẩn khuất vào đâu đó, đến giữa trưa khi công an, đội tự quản của các phường nghỉ, thì lại xuất hiện. Cách hoạt động cũng khác, người bán hàng lưu niệm không đi cả tốp 3-4 người mà đi lẻ, hàng hóa được xếp gọn gàng.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố, khẳng định, từ nay đến hết năm, Sở và các ban ngành sẽ tiếp tục tập trung, đưa người lang thang về Trung tâm bảo trợ xã hội 1 để tiến hành phân loại. Với người có gia đình thì được đưa về quê, người không rõ quê quán sẽ được đưa lên Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 (Tây Đằng, Ba Vì). Người tâm thần đưa vào các bệnh viện điều trị.
Cũng theo ông Đức, trong tháng 9, thành phố đã tập trung được 382 người lang thang, trong đó trẻ dưới 18 tuổi là 147, người từ 18 đến 60 là 167, người già là 31. Đông nhất là đối tượng lang thang ăn xin, ngủ vật vạ vỉa hè 209. Sở phối hợp với cơ quan chức năng đã đưa 143 đối tượng ăn xin lên Trung tâm bảo trợ ở Tây Đằng (Hà Tây) để quản lý, nuôi dưỡng và giáo dục. 52 đối tượng lang thang đánh giày, bán hàng rong đã được bàn giao cho hai tỉnh Hưng Yên và Thanh Hóa.
Như Trang