Xe máy chiếm phần lớn trong số phương tiện giao thông tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo bản Báo cáo Môi trường không khí đô thị Việt Nam năm 2007, do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chiều nay, số lượng ôtô xe máy tăng nhanh đang gây áp lực lớn với không khí ở các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM. Hai loại phương tiện nói trên - gồm nhiều chủng loại - đã qua nhiều năm sử dụng nên có chất lượng kỹ thuật thấp, mức tiêu hao nhiên liệu cao và nồng độ chất độc hại trong khí xả cao. Khói thải từ các phương tiện này góp đến 70% ô nhiễm ở các thành phố.
Tại Hà Nội, ô nhiễm nặng nề nhất vào mùa đông (tháng 12-1) và thấp nhất vào mùa hè (tháng 7-8), do mùa đông khả năng phát tán kém. Còn TPHCM cũng như các đô thị phía Nam khác, ô nhiễm tăng cao vào mùa khô và giảm vào mùa mưa. |
Một đặc điểm khác của Hà Nội và TP HCM là có diện tích đường ít (chỉ bằng 1/2 đến 1/3 so với quỹ đất giao thông tại các nước phát triển), đường hẹp, nhiều nút giao thông, các loại xe đi lẫn lộn, khiến xe cộ luôn phải thay đổi tốc độ trên đường, dừng lâu, do vậy phát thải khí ô nhiễm rất lớn.
Tại một số nút giao thông ở Hà Nội như Ngã tư vọng, Cầu Giấy, nồng độ bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn nhiều lần. Nặng nề nhất là điểm Đuôi Cá (cửa ngõ phía nam thành phố), đường đê sông Hồng (đoạn từ Yên Sở đến dốc Minh Khai), chân cầu Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng, ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng...
Tại TP HCM, ngã tư An Sương là điểm nóng nhất về ô nhiễm bụi (gấp từ 3-4 lần so với tiêu chuẩn), tiếp đến là đường Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, Ngã tư Hàng Xanh...
Bụi trên đường Giải Phóng, cửa ngõ phía Nam của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tình trạng các khu công nghiệp cũ nằm ngay trong nội thành và các khu công nghiệp mới "tiến" về trung tâm thành phố cũng góp phần không nhỏ gây ô nhiễm khí độc hại tại hai đô thị này.
Ba đô thị loại một khác như Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế cũng đều có nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn, đứng đầu là Hải Phòng. Những thành phố có hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển, mật độ giao thông khá cao như Biên Hòa, Thái Nguyên, Việt Trì, Hạ Long, mức độ ô nhiễm bụi trên các trục đường giao thông, các khu công nghiệp và khu dân cư lân cận đều vượt tiêu chuẩn.
Mỗi năm, Hà Nội và TP HCM tổn thất hàng chục triệu USD vì khí thải xe máy
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, đặc biệt là với đường hô hấp. Tại Khu Thượng Đình, Hà Nội, nơi tập trung nhà máy cao su, xà phòng và thuốc lá, tỷ lệ mắc bệnh viêm phế quản là 6,4%, cao gấp gần 3 lần so với một xã nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội. Tại Hải Phòng, tất cả các triệu chứng và bệnh liên quan đến đường hô hấp ở nơi bị ô nhiễm đều cao hơn nơi không bị ô nhiễm từ 1,9 đến 7,6 lần. Đặc biệt tại TP HCM, tỷ lệ người mắc bệnh lao cao hơn hẳn các tỉnh và thành phố khác.
Thiệt hại này quy về kinh tế là rất lớn. Theo một dự án điều tra của Cục bảo vệ môi trường (năm 2007) tiến hành tại Phú Thọ và Nam Định, mỗi người tổn thất gần 300.000 đồng mỗi năm. Nếu giả thuyết tổn hại này tương tự như Hà Nội và TP HCM, thì mỗi ngày Hà Nội, với 3,2 triệu dân, sẽ thiệt hại khoảng 2,58 tỷ đồng và TPHCM là 4,93 tỷ. Đó là chưa kể đến các thiệt hại do ảnh hưởng đến hoa màu, các công trình xây dựng và du lịch.
Các nghiên cứu cũng cho thấy trong các phương tiện giao thông, người đi xe máy chịu tác động của ô nhiễm không khí nặng nhất, tiếp đến là đi xe con. Ít bị ảnh hưởng nhất là đi xe buýt.
Sẽ tính phí bảo vệ môi trường đối với khí thải
Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo Chính phủ phải thắt chặt việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO 2, loại bỏ những phương tiện không đủ điều kiện lưu hành, kiểm soát bụi trong xây dựng và giao thông vận tải,...
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Đây được xem là một công cụ kinh tế buộc các đối tượng gây ô nhiễm phải giảm thiểu việc xả khí thải ra môi trường.
Thuận An