Chiều 6/6, sân bê tông dãy nhà A ký túc xá dành cho sinh viên người nước ngoài (ĐH Bách Khoa Hà Nội) nóng hừng hực. Sau giờ chơi thể thao, hàng chục lưu học sinh vẫn rôm rả ngồi bàn tán về những trận bóng sắp diễn ra.
Ngưỡng mộ các ngôi sao sân cỏ như Cristiano Ronaldo, Ricardo Carvalho, Deco, một số sinh viên Campuchia dự đoán đội tuyển Bồ Đào Nha năm nay sẽ lọt vào vòng bán kết. Nhưng không ít sinh viên đến từ đất nước triệu voi lại lựa chọn đội Italy, Pháp hoặc Tây Ba Nha.
Khim Chamnap (26 tuổi, người Campuchia) sinh viên cao học Tài chính - Ngân hàng của ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, mùa bóng này sẽ dành nhiều thời gian để theo dõi các trận đấu vì đã thi xong học kỳ. Dù được các bạn Việt Nam mời đến quán bia, cà phê xem bóng đá nhưng Khim đều từ chối. "Đến đó chắc chắn là vui nhưng không ai dám đi vì 23h là ký túc xá đóng cửa. Nếu vi phạm, trường sẽ gửi thông báo về nước", Khim bộc bạch bằng tiếng Việt khá chuẩn.
Không chỉ dán hình ảnh cầu thủ mến mộ như Mutu, Chivu của đội tuyển Romania, hai sinh viên Froncis và Bogdom đang học năm thứ ba Học viện Quan hệ Quốc tế cũng cho biết, họ và bạn gái đã lên kế hoạch đến một số quán quen thuộc để cổ vũ cho đội nhà. "Đối thủ của đội Romania khá "nặng ký" nhưng chúng tôi sẽ cổ vũ hết mình cho đội tuyển quốc gia", Froncis quả quyết.
Sinh viên KTX Mễ Trì sửa tivi đón Euro. Ảnh: Tuấn Anh. |
Vắng đội tuyển Anh, nhiều sinh viên dãy nhà A1 Ký túc xá Mễ Trì giảm hẳn độ hưng phấn. Nhưng không vì lý do đó họ không quan tâm đến Euro. Chiều 6/6, nhiều phòng đã lên kế hoạch riêng của mình.
Tại phòng 118, 8 chàng sinh viên đang lúi húi tìm chỗ đặt chiếc tivi 14 inch. Lê Đình Trường (ĐH Khoa học Tự nhiên) cho biết, để không bỏ lỡ những trận đấu hấp dẫn, Trường đã thu tiền của các bạn để đầu tư chiếc... ăngten mới. Mì tôm cũng đã xếp đầy trên nóc tủ.
Ông Lê Văn Liêm, Phó ban quản lý KTX Mễ Trì cho biết, kể từ năm 2005, sinh viên ít đi ra ngoài xem bóng đá vì các phòng đều có Internet và tivi (100 chiếc trong tổng số 218 phòng). Tuy nhiên, mùa Euro này, Ban quản lý KTX vẫn yêu cầu các căngtin phải đóng cửa vào lúc 23h.
"Chúng tôi không cấm sinh viên xem bóng đá. Nhưng nếu xem thì không được hò hét ầm ĩ gây ảnh hưởng đến các phòng khác, không rượu bia, cờ bạc trong phòng. Trường hợp nào vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm".
Không chỉ các ký túc xá mà hiện các nhà hàng ở Hà Nội đều đã sẵn sàng cho Euro. Một nhân viên quán Làn sóng xanh trên phố Chùa Bộc cho biết, quán đã hoàn tất từ việc trang bị màn hình máy chiếu mới, sắp xếp lại bàn ghế cho phù hợp, đến thay đổi thực đơn...
Còn tại các quán cà phê bóng đá hay phố cà phê Hàng Hành, lịch thi đấu Euro được dán đầy tường, nhiều quán còn tranh thủ tân trang nhà cửa, sơn lại bàn ghế...
Theo lời các chủ quán, nhu cầu bày tỏ, bình luận sau trận đấu của người hâm mộ là rất lớn. "Năm nào mùa World Cup, Euro mà buổi sáng không đông nghẹt khách. Mọi người vào quán bàn tán về trận đấu có khi hết cả buổi sáng", anh Trung, chủ quán cafe Trung Nguyên trên phố Tô Hiệu cho biết.
Tại TP HCM, không khí Euro đang rực nóng. Các quán cà phê cũng đã sẵn sàng phục vụ các "thượng đế" đam mê trái bóng tròn… Cửa hàng, thực phẩm ăn nhanh như mì, sữa... bán rất chạy khi nhu cầu "ăn bóng đá, ngủ bóng đá" của các gia đình tăng vọt. Các trung tâm mua sắm như Nguyễn Kim, Ideas... cho biết, tivi là mặt hàng bán chạy nhất thời gian này.
Nơi được xem là náo nhiệt nhất khi ngày hội bóng đá châu Âu khai diện chính là khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, quận 1. Khách hàng thuộc giới Tây ba lô đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu sẽ tập trung theo dõi quả bóng tròn cùng đội tuyển quốc gia của mình.
Du khách Tây tại TP HCM sẽ có một tháng cuồng nhiệt với những trận cầu nảy lửa của Euro. Ảnh: An Nhơn. |
"Không có điều kiện sang tận Áo cổ vũ cho đội nhà nên tôi sẽ cố gắng xem hết các trận đấu có mặt đội tuyển quốc gia. Tôi tin Đức sẽ tiến sâu vào trận cuối cùng để đăng quang", ông Miroslav, quốc tịch Đức hào hứng dự đoán.
Trong khi đó, nhà văn hóa Thanh Niên TP HCM sẽ tổ chức truyền hình trực tiếp 31 trận đấu của giải trên màn ảnh 300 inch và mở cửa tự do.
Bà Hoàng Sa, Trưởng phòng Thể dục thể thao Nhà văn hóa Thanh Niên, cho biết, dự kiến mỗi đêm sẽ có khoảng 1.000 người đến xem và cổ vũ. Thế nên, để tạo cho người xem có cảm giác như đang được xem tận mắt tại các sân ở Áo, Thụy Sĩ, trước ngày khai mạc, tại đây sẽ triển lãm hàng loạt tấm ảnh liên quan đến lịch sử các kỳ Euro trước đây.
Đồng thời, trước mỗi trận đấu, các chuyên gia bóng đá sẽ tham gia bình luận, còn các ca sĩ nổi tiếng sẽ giao lưu cùng khán giả. Đặc biệt, người xem cũng sẽ có cơ hội trúng thưởng lớn nhờ tài dự đoán cùng Euro. "Chúng tôi cố gắng tạo ra cho giới trẻ không khí thật sự như họ đang ở tại Thụy Sĩ và Áo", bà Sa nói.
Là người làm công tác quản lý thể thao, bà Hoàng Sa cho biết, một tháng bóng đá cũng là dịp để bà chứng kiến các "thần tượng" của mình so tài. "Ông xã tôi cũng là fan hâm mộ cuồng nhiệt nên tôi không phải lo lắng nhiều về gia đình. Thức khuya đói lắm nên tôi mua khá nhiều mì gói và sữa để cả nhà ăn đêm cùng "chiến đấu" với Euro. Tôi thích Henry nên tin là Pháp sẽ vô địch", fan hâm mộ này dự đoán.
Màn ảnh 300 inch tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP HCM sẽ hoạt động hết công suất trong tháng Euro. Ảnh: An Nhơn. |
Các trường đại học đang vào mùa thi nhưng không khí Euro cũng lan tỏa khắp các Ký túc xá. Với 15 khu nhà ở, gần 8.000 sinh viên đang theo học, làng KTX ĐH Quốc gia TP HCM được xem là nơi náo nhiệt nhất.
"Chúng em cố gắng sắp xếp để sao vừa thưởng thức được Euro vừa đảm bảo tốt thi tốt nghiệp. Theo em Italy hoặc Hà Lan sẽ vô địch. Còn ở hai trận khai mạc, Cộng hòa Czech và Bồ Đào Nha nhỉnh hơn so với chủ nhà Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ", Quốc Quang, năm cuối khoa Báo chí, ĐH Khoa học xã hội và Nhân Văn TP HCM, cho biết.
Theo ông Trần Thanh An, Giám đốc KTX ĐH Quốc gia TP HCM, dù mỗi dãy nhà ở đều có tTivi riêng nhưng ban quản lý KTX sẽ trang bị một màn hình 300 inch ở giữa khuôn viên. "Lo lắng cho việc thi cử của các em nhưng tôi thấy đây là nhu cầu thiết thực. Nếu KTX không trang bị thì sinh viên sẽ đi ra ngoài coi và có thể làm rối hơn công tác quản lý", ông An nói.
Nhóm phóng viên