Giai đoạn 2023-2025, Hà Nội sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 33 xã và 23 phường mới; giảm 38 xã và 15 phường. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã Thủ đô vẫn giữ nguyên 30 quận, huyện và thị xã; có 526 đơn vị cấp xã; tỷ lệ đô thị hóa 47,52%.
Tổng số người làm việc tại cơ quan hành chính của 109 đơn vị cấp xã hiện là 2.652, với 917 cán bộ, 974 công chức. Thành phố dự kiến bố trí 1.821 người tại 56 đơn vị cấp xã mới, dôi dư 831 người.
Theo nghị quyết, 80 phường trên địa bàn 10 quận của TP HCM được sắp xếp để hình thành 41 phường mới và giảm 39 phường. Sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện của TP HCM là 22, cấp xã là 273.
Tổng số người làm việc của 80 phường được sắp xếp là 2.615, trong đó có 462 cán bộ, 1.143 công chức. Chính quyền thành phố sẽ bố trí lại 1.627 người tại 38 phường mới và có lộ trình cụ thể giải quyết 988 người dôi dư.
Tại phiên làm việc sáng nay, Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 của 10 địa phương khác. Trong đó, tỉnh An Giang giảm một đơn vị cấp xã; Đồng Tháp giảm 2; Hà Nam 11; Phú Thọ 18; Quảng Ngãi 3; Quảng Trị 6; Sơn La 4; Vĩnh Phúc 15; Hà Tĩnh giảm một huyện và 7 xã; Trà Vinh giảm hai phường.
Như vậy tại 12 địa phương, 6 đơn vị cấp huyện và 361 đơn vị hành chính cấp xã được lập mới. Số lượng giảm là một đơn vị cấp huyện và 161 đơn vị cấp xã.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo sau sắp xếp được thực hiện thuận lợi. 12 tỉnh, thành phố đều đề nghị giữ nguyên trạng các cơ sở mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn.
Tuy nhiên, các địa phương đề nghị sáp nhập các Trạm Y tế cấp xã (cũ) để thành lập Trạm Y tế của đơn vị mới. Các trụ sở của cơ sở cũ sẽ được sử dụng làm cơ sở hoạt động các chương trình y tế cộng đồng thuộc Trạm Y tế của cấp xã mới, bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập ở cấp huyện là 136, cấp xã là 3.342. Số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp ở cấp huyện là 9, cấp xã 329.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết là từ tháng 1/2025, riêng đối với Nghị quyết của tỉnh Sơn La từ tháng 2/2025 để tạo điều kiện cho địa phương chuẩn bị, kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu.