Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo, với lớp 10 học tiếng Nhật là ngoại ngữ 1, thí sinh đủ điều kiện dự tuyển nếu đã học ngoại ngữ này trong bốn năm THCS.
Các em được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào ba trường công lập theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, nguyện vọng một và hai phải thuộc các trường THPT Chu Văn An, THPT Kim Liên, THPT Việt Đức, bởi đây là ba trường có lớp dạy tiếng Nhật là ngoại ngữ 1; nguyện vọng còn lại thuộc khu vực tuyển sinh của thí sinh.
Trong Phiếu đăng ký dự tuyển, thí sinh phải chọn tiếng Nhật trong mục "Ngoại ngữ đăng ký học tại THPT". Tuy nhiên, các em có thể chọn bài thi là một ngoại ngữ bất kỳ (Anh, Pháp, Nhật, Đức, Hàn). Nếu không trúng tuyển lớp tiếng Nhật ngoại ngữ 1, thí sinh được xét tuyển vào lớp tiếng Anh tại các nguyện vọng đã đăng ký.
Bên cạnh đó, thành phố cũng có thêm tám trường công lập khác giảng dạy tiếng Nhật là ngoại ngữ 2 gồm: Phan Đình Phùng, Đống Đa, Trần Phú, Việt Đức, Thăng Long, Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, Nguyễn Gia Thiều và Phan Huy Chú - Đống Đa. Để vào lớp tiếng Nhật tại các trường này, thí sinh phải trúng tuyển và xác nhận nhập học lớp tiếng Anh của trường, sau đó làm đơn học tiếng Nhật.
Với lớp tiếng Pháp song ngữ, để đủ điều kiện dự tuyển, học sinh phải đảm bảo đồng thời bốn yêu cầu: học lực, hạnh kiểm cả năm của từng lớp bậc THCS không dưới khá; tốt nghiệp THCS loại khá trở lên; cũng xếp loại khá Chương trình song ngữ tiếng Pháp cấp THCS; tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2022-2023.
Khi đó, các em được dự tuyển vào lớp 10 tiếng Pháp song ngữ tại một trong hai trường THPT Chu Văn An, chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Điểm xét tuyển = Tổng điểm ba môn thi vào lớp 10 + Điểm Pháp ngữ + Điểm ưu tiên. Trong đó, điểm Pháp ngữ là kết quả thi tốt nghiệp Chương trình song ngữ tiếng Pháp cấp THCS, được tính theo công thức: Tiếng Pháp x 2 + Toán (bằng tiếng Pháp).
Ngoài ra, Hà Nội cũng tuyển 45 học sinh cho lớp tiếng Pháp tăng cường tại trường THPT Việt Đức. Điều kiện dự tuyển tương tự với tiếng Pháp song ngữ, nhưng xét học sinh xếp loại tốt nghiệp trung bình trở lên với Chương trình song ngữ tiếng Pháp cấp THCS.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng thông tin về phương án tuyển sinh lớp 10 với các trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập. Theo đó, nhóm trường này được phép xét tuyển, không phân biệt khu vực tuyển sinh.
Các tiêu chí được dùng làm căn cứ xét tuyển gồm: điểm xét tuyển của thí sinh khi dự thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2022-2023l; kết quả rèn luyện, học tập của các em ở cấp THCS (nếu lưu ban thì dùng kết quả của năm học lại). Riêng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chỉ cần dựa vào điểm của thí sinh ở bậc THCS.
Học sinh nộp đơn đăng ký dự tuyển trường công lập tự chủ tài chính, ngoài công lập từ 20/4 đến 25/6, nhập học 10-22/7.
Năm học 2021-2022, thành phố Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng 19.000 so với năm ngoái. Trong đó, khoảng 104.000 em có cơ hội tiếp tục bậc học THPT (77.000 chỉ tiêu công lập và 27.000 tư thục). Khoảng 25.000 em còn lại sẽ vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Thời gian thi vào lớp 10 dự kiến diễn ra trong hai ngày 18-19/6.
Thanh Hằng