![]() |
Nhà số 4 Đặng Dung xây sai phép 8 tầng. |
Trước đó, ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đã đề xuất 3 phương án xử lý. Thứ nhất, phá dỡ toàn bộ phần vi phạm. Thứ hai, các công trình vi phạm trước 28/2/2005 nếu phù hợp cảnh quan, quy hoạch thì được tồn tại và phạt nặng. Thứ ba, công trình lớn ở vị trí nhạy cảm (không xác đinh thời gian vi phạm), giao cho Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố nghiên cứu, nếu hợp cảnh quan thì cho tồn tại và phạt nặng.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã không ủng hộ phương án thứ ba. Ông cho rằng, giá trị pháp lý của Hội đồng kiến trúc quy hoạch không cao, không đủ thẩm định hết cảnh quan, tính bền vững của công trình.
Theo ông Nghị, phương án phá dỡ những tầng sai phép dễ xử lý và có tính răn đe tốt. Cách xử lý này cũng phù hợp với Luật Xây dựng. Phương án phạt nặng theo giá trị sử dụng của phần sai phép rồi cho tồn tại thì tránh được lãng phí, song không có quy định trong Luật Xây dựng.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Hoàng Ân, quy định phạt vi phạm trật tự đô thị cao nhất hiện nay là 70 triệu đồng kèm theo phá dỡ. Nếu đưa ra mức phạt cao hơn thì phải báo cáo Thủ tướng.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, trong vài ngày tới, thành phố sẽ có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về 2 phương án đầu tiên. "Nhiều công trình có quy mô lớn không thể đập ngay, cần phải xem xét kỹ lưỡng. Tôi đã tính mức phạt nhà số 9 Đào Duy Anh phải đến 30 tỷ đồng, tương ứng diện tích sàn xây dựng ở đây", ông Triệu nói.
Xử nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý
Tại cuộc họp chiều 5/2, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chỉ rõ, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng vi phạm trật tự đô thị là sự coi thường pháp luật của chủ đầu tư. Các công trình đã bị phạt hành chính nhiều lần nhưng cố tình vi phạm.
Một nguyên nhân nữa là sự buông lỏng và tiêu cực của các cơ quan quản lý. Ông Nghị lấy dẫn chứng về ý kiến người dân xây dựng nhà. Khi họ mới vận chuyển cát sỏi đã thấy thanh tra xây dựng đến hỏi thăm, rồi phạt lỗi lấn chiếm vỉa hè. Sau đó, cứ đúng ngày đổ trần đổ mái là thanh tra đến thăm, phạt mấy trăm nghìn đồng rồi gia chủ tiếp tục xây.
Chế tài phạt chưa cao nên cũng không đủ sức răn đe. Một công trình 12.000m2 sai phạm mà chỉ phạt 200.000 đồng. "Người nào càng vi phạm càng có lời, chấp hành nghiêm thì thua thiệt. Cần phải xử lý nghiêm những người phạm luật cũng như cơ quan chức năng buông lỏng quản lý", ông Nghị bức xúc.
Ông Đỗ Hoàng Ân, Phó chủ tịch UBND Hà Nội phụ trách về xây dựng đô thị, thừa nhận, các công trình xây sai phép thời gian qua một phần do sự chủ quan của các cấp từ thành phố tới cơ sở. Do vậy, thành phố đã chỉ đạo tổng kiểm tra toàn bộ công trình trên địa bàn, tập trung là nhà cao tầng.
Theo Chủ tịch thành phố Nguyễn Quốc Triệu, nhiều người cho rằng việc phá dỡ các công trình là lãng phí. Tuy nhiên, tỷ lệ phải phá dỡ rất ít so những vụ vi phạm. Việc làm này để thiết lập lại kỷ cương, nếu không bộ mặt của thành phố sẽ không thể thay đổi. Cùng với đó, thành phố sẽ phải lập đề án quản lý xây dựng đô thị, thực hiện quyết liệt từ nay đến năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Đoàn Loan
Bạn đọc lên tiếng
Người gửi: Nguyễn Hương
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Xây dựng trái phép
Việc xây dựng sai giấy phép là không thể chấp nhận được, nếu muốn kỷ cương được xác lập thì phải làm đến nơi đến chốn. Thành phố cần phải cắt ngọn cho đúng với giấy phép, chủ đầu tư phải chịu chi phí và phạt nặng vì vi phạm quy định của nhà nước, có vậy mới thiết lập được văn minh đô thị.
Tôi thấy biện pháp phạt nặng để tồn tại là không khoa học dưới bất cứ lý do nào, nếu thế thì quy định của thành phố về cấp phép là không đúng. Cần phải cắt bỏ ngay cái u để có được cơ thể lành bệnh.
Người gửi: Hoàng Văn Bảo
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Không nên phá nhà đã làm sai phép
Bao nhiêu tiền của của nhân dân đã bỏ ra xây dựng các nhà vượt quá số tầng cho phép xây dựng. Theo tôi không nên cắt số tầng vi phạm và không nên phá dỡ. Chúng ta nên xử lý nghiêm minh hệ thống cán bộ từ cấp phường đến Thành phố vì đã phạt để cho tồn tại. Đó là những cán bộ vô trách nhiệm với dân với nước. Đối với các tòa nhà vi phạm, chúng ta nên để tồn tại, nhưng nhà nước cần trưng thu số tầng sai phép.
Người gửi: Hoàng
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Cần nghiêm trị người gây ra, không nên trị công trình
Xử lý bằng việc phá bỏ công trình là lãng phí và không công bằng. Theo tôi cần tìm cho ra người chịu trách nhiệm buông lỏng quản lý để "con voi chui qua lỗ kim". Đánh vào công trình chẳng những gây lãng phí mà còn làm giảm tội cho cán bộ sở tại. Theo tôi, phải có biện pháp phạt nặng chủ công trình và tìm cho ra cán bộ "buông lỏng" trách nhiệm mà truy cứu trách nhiệm hình sự gây hậu quả nghiêm trọng.
Người gửi: Xuân Thu
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Tội cố ý làm trái trong xây dựng
Đối với các cơ quan cấp phép xây dựng, cơ quan thanh tra, quản lý xây dựng thực hiện cấp phép sai quy hoạch... cần phải điều tra, xử lý nghiêm. Hà Nội cần phải làm sáng tỏ nhiều vấn đề nhức nhối, mờ mịt trong công tác quản lý và thanh tra xây dựng hiện nay. Hoan nghênh lãnh đạo mới của thành phố kiên quyết chấn chỉnh vấn đề này.