Nhiều trẻ lang thang ở Hà Nội kiếm sống bằng cách bán đồ lưu niệm. Ảnh: Anh Tuấn. |
Bà Lương Thị Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em TP HCM, cho rằng, rất khó thực hiện mục tiêu đưa 70% trẻ lang thang kiếm sống về gia đình ngay trong năm nay. Bởi thành phố có số lượng trẻ lang thang nhiều nhất (8.500), trong đó số ngoại tỉnh chiếm đến 83%. Hơn một nửa số trẻ lang thang (4.650) đi theo gia đình lên thành phố kiếm sống, vì vậy không thể đưa các em về với gia đình mà không có chính sách hồi hương, tái định cư, giải quyết việc làm cho gia đình các em. Mặt khác, thành phố cũng chưa phối hợp với các tỉnh thành về việc đưa trẻ lang thang về với gia đình.
Bà Thuận cho biết, TP HCM vừa ban hành Quyết định 104 với mục tiêu là từ nay đến trước SEA Games sẽ đưa khoảng 210 trẻ lang thang xin ăn về với gia đình hoặc vào các cơ sở bảo trợ xã hội, giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động. Ngoài ra, Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em thành phố cũng đang kiến nghị với thành phố và trung ương trong thời điểm hiện nay khi chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ lang thang kiếm sống thì nên hạn chế thời gian làm việc của trẻ. Chỉ nên để trẻ kiếm sống từ 6h sáng đến 6h tối để các em sẽ có thời gian tham gia các lớp học tình thương.
Đại diện Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em Hà Nội cho biết, trong hơn 1.500 trẻ lang thang ở Hà Nội, tỷ lệ muốn trở về gia đình chỉ chiếm 15%, trong khi đó con số muốn tiếp tục ở lại kiếm sống chiếm tới 47,2%. Vì thế, rất khó thuyết phục các em về quê sinh sống nếu không có sự hợp tác của gia đình và địa phương nơi các em ra đi. "Điều chúng tôi lo lắng là nếu không có chính sách lâu dài giải quyết trẻ lang thang thì sau SEA Games, các em sẽ quay trở lại Hà Nội kiếm sống", vị đại diện này nói.
Về phía các tỉnh thành có trẻ ra đi, đa số sẵn sàng tiếp nhận và cố gắng tạo mọi điều kiện để các em hòa nhập cộng đồng, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn. Bà Lâm Hoàng Phượng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em Sóc Trăng, nói: "Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận con em mình bỏ đi nơi khác kiếm sống. Tuy nhiên, tại thời điểm này thì tỉnh không thể có kinh phí để hỗ trợ các em". Một khó khăn khác theo bà Phượng là làm sao xác định địa chỉ cụ thể của từng em, trên cơ sở đó mới có kế hoạch bố trí hoặc đưa trở về gia đình, hoặc đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội. Hiện nay, TP HCM thông báo Sóc Trăng có 195 trẻ lang thang ở thành phố, nhưng chỉ 21 em xác định được địa chỉ cụ thể, số còn lại chỉ ghi quê quán rất chung chung.
Bà Đỗ Thị Chất, Phó chủ tịch UBND Thanh Hóa, địa phương có nhiều trẻ bỏ đi lang thang nhất (680 em), thì cho rằng tỉnh vừa nghèo lại đông dân (3,6 triệu). Có đến 80% trẻ em bỏ đi xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Vì thế, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ lang thang phải quan tâm tới việc xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của gia đình các em. Và đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một thời gian ngắn.
Đề cập đến các giải pháp để thực hiện giải quyết trẻ lang thang, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh tới việc cần xây dựng hành lang pháp lý đối với người lang thang và trẻ lang thang, làm rõ khái niệm khái niệm trẻ lang thang, trẻ kiếm sống để các địa phương thống nhất thực hiện. Thứ đến là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn đến từng gia đình, coi đây là trận tuyến lâu dài, khó khăn, các ngành liên quan cần phối hợp đồng bộ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em Lê Thị Thu cũng kiến nghị cần thành lập ban chỉ đạo đưa trẻ lang thang về với gia đình, cộng đồng từ trung ương đến địa phương với các thành viên là đại diện UBND hai thành phố Hà Nội và TP HCM, chủ nhiệm Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em, lãnh đạo Sở Công an, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp... Bà nhấn mạnh việc giải quyết trẻ lang thang ở hai thành phố trên chỉ là thí điểm, sau đó sẽ triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Kết quả khảo sát tháng 7-8 vừa qua tại TP HCM và Hà Nội cho thấy, trong tổng số 10.060 trẻ lang thang có 65,1% là nam: - Về lứa tuổi dưới 5 là 1,2%, 6-10 tuổi là 15,5%, 11-15 tuổi là 59,5%, 16-18 tuổi là 20,6%. |
Như Trang