Theo Cục Thống kê Hà Nội, do bắt đầu vào mùa nóng nên sức tiêu thụ một số sản phẩm bia, nước giải khát và các mặt hàng tiêu dùng mùa hè trên địa bàn tăng cao, dẫn tới sản xuất các mặt hàng này trong tháng 5 tăng mạnh so tháng trước như bia đóng chai tăng 88%, bia đóng lon tăng 66%, quạt các loại tăng 8%...
![bia-8839-1400666319.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2014/05/21/bia-8839-1400666319.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E053xx69n3U1hGoLaZNPrg)
Sản xuất bia tăng cao trong mùa nóng.
Cùng với đó, các mặt hàng có nhu cầu cao trong mùa hè cũng lên giá như đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%, may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,36%... Việc giá các mặt hàng này tăng diễn ra trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hà Nội tháng 5 lại giảm 0,07% so với tháng trước, chủ yếu do giá lương thực và thực phẩm, vốn chiếm quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI giảm trong tháng này.
Nhóm giao thông có chỉ số giá tăng cao nhất (tăng 0,53%), nguyên nhân chính do giá xăng, dầu diezen tăng từ giữa tháng 4 và việc kiểm tra xe trên quốc lộ khiến các chủ xe hạn chế chở quá tải trọng, dẫn tới giá cước vận tải tăng. Giá xe bus điều chỉnh tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng một vé cũng ảnh hưởng tới chỉ số giá nhóm giao thông.
Tại TP HCM, giá đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón giày dép tháng này không có nhiều biến động. Tuy nhiên, giá lương thực, thực phẩm trên địa bàn lại tăng cao khi thực phẩm tăng tới 1,41% so với tháng trước, trở thành nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng cao nhất.
Theo cơ quan thống kê, giá lương thực tăng nhẹ trở lại sau khi giảm trong tháng 4 do nhu cầu xuất khẩu gạo bắt đầu tăng (ước tính xuất khẩu gạo 5 tháng tăng 74%). Giá thực phẩm cũng tăng 1,4% so tháng trước do giá thịt lợn, gia cầm, thủy sản và rau, củ quả tăng cao. Do vậy, sau 2 tháng liên tiếp giảm, CPI tháng 5 tại TP HCM tăng trở lại 0,36% so với tháng trước.
Mùa du lịch cũng sắp tới nên giá nhóm hàng văn hóa, giải trí và du lịch nhúc nhích tăng lên. Tại Hà Nội, nhóm hàng này tăng 0,03% so với tháng trước, trong khi TP HCM tăng 0,15% (tháng trước giảm 0,2%), trong đó tour du lịch trọn gói tăng 0,32%.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm, giá hàng tiêu dùng ở hai thành phố lớn nhất cả nước vẫn tăng thấp khi Hà Nội tăng 1,08%, trong khi TP HCM tăng 0,51%. Không tính vào nhóm hàng hóa tính CPI, chỉ số giá vàng tháng này tại TP HCM giảm 0,61% trong khi Hà Nội giảm 1,4%. Giá đôla Mỹ không có nhiều biến động.
Phương Linh