Tại họp báo thường kỳ do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 1/7, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Hữu Bảo cho biết theo quy định, Sở được thành phố cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe trên các tuyến đường thành phố quản lý. Mức thu phí theo Nghị quyết 06 của HĐND và toàn bộ số phí thu được nộp vào ngân sách thành phố.
Thành phố không phải bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để tổ chức trông giữ xe. Ngược lại, ngân sách thành phố thu được một khoản phí từ việc trông giữ xe dưới lòng đường, hè phố hàng năm, khác với TP HCM, ông Bảo cho biết.
Đến nay, tổng diện tích trông giữ xe các đơn vị thành phố đang quản lý là 31.700 m2 trên 134 tuyến phố. Quận, huyện quản lý tổng diện tích trông giữ xe là hơn 91.000 m2. Năm 2021, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thu và nộp vào ngân sách 46 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm nay là hơn 20 tỷ.
Để tránh thất thoát nguồn thu, ông Bảo cho biết Thanh tra Sở hàng năm đều phối hợp Công an thành phố, Sở Tài chính, các quận, huyện xử lý đơn vị trông giữ xe trên địa bàn vi phạm. Các lỗi phổ biến là trông xe không xuất vé, trông sai thời gian, phạm vi...
Trước đó, Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, đơn vị tổ chức thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường tại TP HCM, báo cáo năm 2021 chỉ thu được 2 tỷ đồng tiền trông giữ trên 20 tuyến đường. Việc này khiến đơn vị phải bù lỗ gần 8 tỷ đồng trả nhân viên, phần mềm.
Đại diện công ty giải thích nhiều người không chịu đăng ký qua ứng dụng thu phí nên dễ thất thoát. Lòng đường một số tuyến cho ôtô đậu có thu phí như An Dương Vương (quận 5), Lê Hồng Phong (quận 10), Trương Định (quận 3)... bị nhiều cửa hàng kinh doanh, khách sạn, nhà xe chiếm dụng, cản trở việc thu phí.
Nhiều xe đỗ dưới lòng đường nhưng không chịu đóng tiền. Hiện, các bên liên quan tập trung "phạt nguội"; triển khai hệ thống cảm biến ghi nhận xe ra vào, bổ sung hình thức thanh toán thuận tiện...