Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ cho biết 24 giờ qua, lượng mưa ghi nhận tại trạm Láng là 15,6 mm; Hà Đông 17 mm; Thanh Trì 19 mm; còn Sóc Sơn chỉ 3 mm, Đông Anh 4 mm... Con số này thấp hơn so với dự báo của đài này (40-60 mm) và thua xa so với dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương (50-100 mm).
Cảnh chạy lũ của một gia đình ở khu Liên cơ Giải Phóng. Ảnh: Nguyễn Nhật Thành. |
Trao đổi với VnExpress.net, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty thoát nước Hà Nội Nguyễn Lương Ngọc, cho hay: "Mưa ít, cộng thêm dự báo thời tiết những ngày tới trời không mưa, nội thành Hà Nội đã thoát tái ngập".
Cũng theo ông Ngọc, để ứng phó với khả năng mưa lớn như dự báo trước đó, ngày 7/11, các hồ điều hòa trong thành phố đều rút bớt nước. Hơn 1.000 công nhân công ty thoát nước cũng căng mình ứng trực tại các trạm.
Tuy nhiên, sau trận mưa kỷ lục đêm 30/10-2/11, Hà Nội hiện vẫn còn 20.000 hộ dân, chủ yếu ở các huyện ngoại thành đang sống trong cảnh ngập úng. Phó chủ tịch UBND Trịnh Duy Hùng cho biết, thành phố đã cấp phát hơn 100 tấn gạo, 30 tấn mỳ tôm, hơn 10 tỷ đồng để giúp dân vùng ngập nặng...
"Đến nay, toàn bộ hệ thống đê kè của Hà Nội đều an toàn. Nếu thời tiết không phức tạp, 4-5 ngày nữa, ngập úng trên địa bàn Hà Nội cơ bản được khắc phục", ông Hùng nói.
Trời hửng nắng, người dân mang giấy báo bị dính nước ra phơi. Ảnh: Cuong. |
Cho rằng cơn "đại hồng thủy" vừa qua mấy chục năm mới có một lần, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Hà Nội cần tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó, chú ý tới chăn nuôi, trồng trọt, giao thông, giáo dục, tiêu độc, khử trùng môi trường, tránh xảy ra dịch bệnh...
"Hà Nội cần khẩn trương, tích cực hơn trong việc khắc phục hậu quả. Không vỡ đê, nhưng cũng không để vỡ thông tin khiến bà con nháo nhác", Phó thủ tướng lưu ý.
Trước đó, ngay sau khi thông tin dự báo về khả năng xuất hiện một trận mưa lớn tiếp theo, các đơn vị của Hà Nội đã hối hả lên phương án chống tái ngập, giúp dân vùng trũng. Nhiều người dân còn đổ xô đi mua lương thực tích trữ đề phòng mưa lớn kéo dài.
Chiều 7/11, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng cho hay, 4h sáng 4/11, nước lớn tràn đập Đức Long và Gia Tường đã làm 4 xã vùng phân lũ chìm trong nước cùng cả chục xã chịu cảnh ngập lụt. Ngoài 38.000 người dân bị ảnh hưởng, hàng nghìn ha hoa màu cũng bị mất trắng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Để hỗ trợ người dân cũng như khắc phục hậu quả do lụt, ông Thắng đang "cầu cứu" Chính phủ hỗ trợ kinh phí. |
Nhóm phóng viên