Công ty Thoát nước Hà Nội đang thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng việc phun rải chế phẩm Redoxy3C tại đoạn chảy qua phố Nguyễn Đình Hoàn (đầu nguồn) và cầu Khương Đình (cuối nguồn).
Gần cầu Khương Đình, một khúc sông rộng khoảng 500 m2 vẫn đang được quây lại. Trong ô thử nghiệm, nước liên tục sủi bọt và có màu đen không khác biệt so với bên ngoài.
"Tôi thấy mùi hôi thối đã giảm đi vài phần nhưng nước sông liên tục chảy qua, không biết sẽ bớt mùi được bao lâu", ông Đinh Văn Tuyền (242 Khương Đình, Thanh Xuân) nói.
Bà Trần Lương Hiền - phụ trách Trung tâm thử nghiệm môi trường nước, Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay, đây là lần đầu tiên chế phẩm Redoxy-3C được sử dụng để làm sạch sông Tô Lịch.
Redoxy3C khi "hoạt động" sẽ cung cấp oxy cho nước và hệ sinh thái dưới thủy vực. Khi đó, toàn bộ hệ thống vi sinh vật hiếu khí sẽ hoạt động, thúc đẩy quá trình tự xử lý nước. Hiện hoạt động này mới chỉ mang tính thử nghiệm và cần nghiên cứu bổ sung.
"Để đảm bảo khách quan, kết quả thử nghiệm sẽ được phân tích bởi đơn vị độc lập. Về cảm quan ban đầu cho thấy, sau khi phun rải, chế phẩm nước đã trong hơn. Trong ô quây thử nghiệm, mùi hôi giảm rõ rệt và một vài chỉ số ô nhiễm cũng giảm", bà Hiền nói.
Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã sử dụng chế phẩm Redoxy3C xử lý nước cho 87 hồ trong nội thành. Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, kết quả quan trắc cho thấy các hồ từ chỗ bị ô nhiễm đến nay chỉ tiêu oxy hòa tan tăng trung bình từ 2-3mg/l lên 8-9mg/l. Các chỉ tiêu pH, vi sinh vật, chất thải rắn lơ lửng trong nước đã giảm và đạt chuẩn cho phép.
GS Mai Đình Yên, chuyên gia về môi trường nước, Phó chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam, cho biết, về cơ bản nguyên lý hóa học hoạt động của loại chế phẩm này không khác nhiều so với loại ở Việt Nam, nhưng các nhà sản xuất Redoxy3C đã tìm ra loại chất dẫn kích thích oxy tăng nhanh khi hòa tan trong nước.
Tuy nhiên, trước những ý kiến khác nhau về tính minh bạch, hiệu quả của việc sử dụng, ngày 30/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao thanh tra thành phố chủ trì thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng với chất Redoxy3C. Ông Chung cũng yêu cầu sau khi hoàn thành thanh tra phải công khai kết quả.
Hiện trên sông Tô Lịch, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy cũng đang được một đơn vị thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản.
Chế phẩm Redoxy3C dạng bột hột để rắc hoặc phun xuống hồ ô nhiễm khiến các chỉ số pH kiềm, nồng độ TSS, BOD, COD... và mật độ coliform trong các hồ giảm, thông số thủy lý hoá không vượt ngưỡng. Các loài sinh vật, thủy sinh sinh trưởng và phát triển tốt.
Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.
Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 200 cửa xả nước thải.