Các tỉnh thành cần xây dựng điểm giết mổ tập trung. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo Cục Thú y, ngày 25/1, bệnh dịch đã phát ra tại 1 hộ chăn nuôi vịt ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, và 1 hộ chăn nuôi gà ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Kết quả xét nghiệm đều dương tính với virus H5.
Như vậy, đến nay Hà Nội đã có 5 điểm dịch. Trước đó, ngày 13/1, bệnh cúm gia cầm đã phát ra tại 1 hộ chăn nuôi ngan và 1 hộ chăn nuôi gà tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Ngày 19/1, bệnh dịch tiếp tục bùng phát ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.
Không chỉ ở Hà Nội, 25/1 còn được coi là ngày "dữ dội" khi dịch cúm đồng loạt bùng phát tại nhiều địa phương. Theo Cục Thú y, chỉ riêng trong ngày 25/1 cả nước đã có thêm 30 điểm phát dịch ở 21 xã, 12 huyện của 4 tỉnh, thành phố là Bạc Liêu, Long An, Bến Tre và Hà Nội, nâng tổng số điểm dịch trên toàn quốc là 498, tập trung ở 274 xã, 102 huyện của 25 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, điều đáng mừng là trong 16 ngày (9-25/1) có 2 tỉnh Hà Nam, Bình Phước không phát thêm dịch.
Để ngăn chặn triệt để hơn tình trạng lây lan từ dịch cúm gia cầm, cũng trong ngày 25/1, Cục Thú y đã ban hành hướng dẫn về việc giết mổ, lưu thông, buôn bán gia cầm, thịt gia cầm. Theo đó nghiêm cấm giết mổ gia cầm có triệu chứng như: sốt cao, chảy nước mắt, đứng tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mặt, da tím tái, chân xuất huyết, chảy nước dãi ở mỏ, hoặc sử dụng gia cầm chết làm thực phẩm.
Đồng thời cơ quan này cũng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh ngan, vịt, thịt gia cầm, trứng gia cầm chưa nấu chín kỹ. Riêng với người giết mổ gia cầm, Cục Thú y yêu cầu phải có biện pháp đề phòng bệnh cúm lây sang người như: những người có tổn thương ở tay, chân, bệnh ngoài da... không được giết mổ gia cầm; phải trang bị găng tay, khẩu trang; sau khi giết mổ phải rửa chân, tay bằng nước sạch và xà phòng; nơi giết mổ phải được vệ sinh sạch sẽ và tiêu độc khử trùng; các chất thải rắn, nước thải phải được thu gom và khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất khác.
Như Trang