Trước thực trạng nhiều địa bàn bị ùn ứ rác thải sinh hoạt, ông Chu Ngọc Anh giao Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thanh tra toàn diện công tác vệ sinh môi trường liên quan đến Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân).
Từ năm 2017 đến nay, việc thu gom rác tại các quận, huyện ở Hà Nội thực hiện theo phương thức đấu thầu tập trung. Thành phố giao nhiệm vụ cho Trung tâm Mua sắm tài sản công (Sở Tài chính) tổ chức đấu thầu dịch vụ môi trường với 26 gói thầu, thực hiện trong 3 năm 10 tháng (đến hết năm 2020).
Công ty Minh Quân trúng 6 gói thầu vệ sinh môi trường (tại các quận Nam Từ Liêm, Tây Hồ, huyện Mỹ Đức...) trị giá hơn 1.150 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, đơn vị này đã thiếu kinh nghiệm cũng như năng lực trong lĩnh vực giữ gìn vệ sinh môi trường khiến rác thải liên tục bị tồn đọng.
Điển hình như tháng 11/2019, nhiều tuyến phố ở quận Tây Hồ và Nam Từ Liêm đã xảy ra tình trạng rác ùn ứ, chất đống gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Khắc Công, Giám đốc Công ty Minh Quân, cho rằng nguyên nhân ùn ứ rác là "khối lượng phát sinh quá nhiều", chênh lệch lớn so với mức ban đầu khi đấu thầu. Công ty đã đề nghị, song thành phố chưa có quyết định hạch toán theo khối lượng phát sinh này, dẫn đến nguồn thu của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Sự việc được lặp lại vào cuối năm 2020, rác thải chất thành đống tại các điểm tập kết, nhiều tuyến đường tại quận Nam Từ Liêm, huyện Mỹ Đức. Ngày 30/12/2020, ông Nguyễn Khắc Công cho hay không còn làm giám đốc Công ty Minh Quân và "không biết ai đang là giám đốc". Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân đã đổi tên thành Công ty CP tập đoàn Nam Hà Nội.
Trong phiên thảo luận kinh tế xã hội tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2020, nguyên Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho biết, Công ty Minh Quân thực hiện gói thầu vệ sinh môi trường trên địa bàn nhưng không đảm bảo yêu cầu. Quận đã nhiều lần có ý kiến, gửi văn bản lên UBND thành phố đề nghị chấm dứt hợp đồng với đơn vị này, nhưng không được xử lý dứt điểm.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2020, Sở đã 16 lần kiểm tra, đôn đốc công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn và nhiều lần đôn đốc các chủ đầu tư (UBND các quận, huyện, thị xã), yêu cầu khắc phục tồn tại trong công tác vệ sinh môi trường. Trong số đơn vị được kiểm tra, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất xem xét, đánh giá chưa đảm bảo trong thực hiện tốt nhiệm vụ duy trì vệ sinh môi trường đối với Công ty Minh Quân và Công ty CP MTĐT Đông Anh.
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau ba năm đấu thầu tập trung, từ ngày 1/1/2021, thành phố giao cho các quận, huyện, thị xã là chủ đầu tư việc duy trì vệ sinh trên địa bàn. Sau khi lựa chọn nhà thầu, thành phố ký thỏa thuận khung và bàn giao cho chủ đầu tư là UBND quận, huyện, thị xã ký hợp đồng chi tiết làm cơ sở thanh toán. Như vậy việc lựa chọn nhà thầu sẽ do các quận quyết định.
Khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Hà Nội khoảng 6.500 tấn/ngày, việc xử lý cơ bản áp dụng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại hai khu.
Khoảng 5.000 tấn/ngày được chôn tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (phân luồng tiếp nhận từ 12 quận và 5 huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Mê Linh).
Khoảng 1.300-1.500 tấn/ngày xử lý tại Khu Xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì (phân luồng tiếp nhận từ 12 huyện còn lại và thị xã Sơn Tây).
Võ Hải - Tất Định