Ghi nhận tại "phố vàng" Trần Nhân Tông, Hà Nội ngày 19/2 (tức mồng 8 âm lịch), người dân tới mua bán vàng đều đông hơn ngày thường. Tại một vài cửa hàng có không gian hẹp, nhiều người thậm chí phải xếp hàng chờ tới lượt trong khung từ 11h sáng đến đầu giờ chiều.
Chị Xuân - dắt theo con gái đứng xếp hàng chờ tới lượt ở một cửa hàng. Chị chia sẻ, việc mua một vài chỉ vàng vào đầu năm đã thành thói quen hàng năm, một phần là cầu may, một phần coi như gửi tiết kiệm. Do lo ngại Covid-19 nên chị tranh thủ mua sớm thay vì đi mua đúng vào ngày vía Thần Tài như năm trước.
Ngược lại với số đông người tới mua vàng như chị Xuân, vẫn có một số nhà đầu tư tới bán từ vài đến chục cây vàng, do dự đoán giá kim loại quý sẽ tiếp tục giảm sau ngày vía Thần Tài.
Đại diện Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho biết, sau nghỉ Tết Nguyên đán đến ngày Thần Tài, các giao dịch thường sôi động hơn thường ngày. Tết Nguyên Đán và ngày Thần Tài năm nay rơi vào đúng lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng lượng khách đến giao dịch không hề giảm so với những năm trước.
Khách đến mua vàng DOJI tại các Trung tâm ở Hà Nội và TP HCM tăng cao vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch - ngày đầu tiên đi làm. Đến ngày mùng 7, mùng 8 tháng Giêng, lượng giao dịch giảm hơn, do tâm lý muốn đợi đến gần ngày Thần Tài để được may mắn. Dự kiến, ngày mùng 9 và mùng 10 lượng giao dịch sẽ tiếp tục tăng cao và mùa Thần Tài năm nay có thể số khách mua bán không giảm so với những năm trước.
Số lượng khách đông hơn thường ngày trong khi Covid-19 đang phức tạp, đại diện DOJI và Bảo Tín Minh Châu cho biết đã đẩy mạnh việc bán hàng online để giảm tải xếp hàng. Để không phải chờ lâu, khách có thể đặt mua trước vàng online và tới cửa hàng vào ngày mồng 10 âm lịch để nhận. Trước cửa ra vào, khách hàng phải rửa tay và được yêu cầu đeo khẩu trang khi giao dịch.
Đại diện doanh nghiệp này cũng cho hay, từ lúc công ty bắt đầu mở cửa lại sau Tết, lượng khách giao dịch trong hai ngày mùng 6 và 7 tăng khoảng 2-3 lần so với ngày thường. 80% khách đến cửa hàng nhằm mua vào, chủ yếu là mặt hàng nhẫn tròn trơn và trang sức vàng ta khi ngày vía Thần tài đang cận kề. "So với cùng thời điểm mọi năm, lượng khách tăng hơn nhưng không có sự đột biến", đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Trái ngược với Hà Nội, không khí giao dịch tại TP HCM lại trầm lắng hơn mọi năm. Chủ các quầy sạp trong Trung tâm Vàng bạc đá quý Bến Thành (quận 1) cho biết, nơi đây khá vắng khách từ khi mở cửa lại sau Tết. Phần lớn thời gian của họ dành để tán gẫu, lướt điện thoại. Nhiều chủ cửa hàng cũng đã trả quầy vì tình hình buôn bán ở đây không khả quan.
"Cả ngày có vài chục khách đến hỏi giá, nhưng không mấy ai mua", chủ sạp Kim Ngôn cho biết. Chị này nói thêm, ngày vía Thần Tài năm nay rơi vào cuối tuần nhưng thị trường nhiều khả năng không sôi động bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất là dịch bệnh khiến khách hạn chế đến cửa hàng. Thứ hai, giá có giảm trong vài phiên gần đây nhưng vẫn neo ở mức cao và việc mua vàng cầu may không phải ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn chi tiêu "thắt lưng buộc bụng" hiện nay.
Cách đó khoảng 100 mét, trung tâm kim hoàn của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng ít khách ra vào. Nhân viên tại đây cho biết, lượng khách năm nay ít hơn khoảng 50% so với những năm trước và người mua chuộng vàng nhẫn trọng lượng nhỏ để không tốn nhiều phí gia công.
Trong khi đó tại cửa hàng PNJ Next Hai Bà Trưng (quận 1), không khí khả quan hơn. Đại diện doanh nghiệp này cho biết lượng khách đông dần từ tối qua vì ngại chen chúc trong ngày Thần Tài, cộng thêm giá vàng đã giảm hơn 1 triệu đồng trong hai phiên đầu năm.
Ông Lê Trí Thông – Tổng giám đốc PNJ cho hay, so với những năm trước, giá vàng cao hơn nhiều nên doanh nghiệp sẽ tung các sản phẩm với dải giá rộng hơn, rẻ nhất khoảng 1 triệu đồng để khách hàng thu nhập thấp cũng có thể tiếp cận. Các cửa hàng trong hệ thống sẽ mở cửa sớm từ 6h và đóng cửa lúc 23h trong ngày vía Thần Tài.
Quỳnh Trang - Phương Đông