Các hình thức xe buýt chất lượng cao sẽ được nhân rộng tại nhiều địa phương. |
Như vậy Hà Nội cũng sẽ thực hiện thí điểm xe buýt mẫu trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, năm 2002 - một năm đồng khởi về giải phóng mặt bằng - nhiều nút giao thông quan trọng của thủ đô sẽ được thi công, thì việc tạo tuyến phân luồng như thế nào cho xe buýt hoạt động tránh ùn tắc là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Tiến sĩ Phạm Trường Thắng - Trưởng phòng Giao thông Đô thị và Nông thôn, Viện Nghiên cứu Chiến lược Giao thông Vận tải - cho biết: “Chúng tôi dự kiến cho chạy xe buýt 2 chiều trên một tuyến phố một chiều. Ví dụ đường Lê Duẩn là chủ trương đúng nhưng gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Nên cần có việc ưu tiên cho xe buýt chạy mới tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng giúp giảm ách tắc giao thông trong thành phố”.
Cũng theo các nhà khoa học thì khi đưa thêm một lượng xe buýt lớn vào hoạt động, thời gian đầu ùn tắc sẽ khó có thể tránh khỏi (điều này đã từng xảy ra trong những ngày đầu triển khai các tuyến xe buýt mẫu ở TP HCM). Đó là chưa kể đến lượng các phương tiện cá nhân tham gia giao thông vẫn tiếp tục tăng do điều kiện kinh tế phát triển và sự thuận tiện của nó khi sử dụng.
Tuy nhiên, tăng cường phương tiện giao thông công cộng là một nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển đô thị. Tiến sĩ Nguyễn Quang Toản cho biết: “Sức chở của xe buýt cho thành phố hàng triệu dân là có hạn, một mình xe buýt không thể giải quyết ách tắc, nhưng rất cần thiết để tạo thói quen sử dụng giao thông công cộng cho dân, trên cơ sở đó giảm lượng xe ở các tỉnh, thành phố lớn”.
(Theo VTV)