Theo quyết định vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, việc tăng giá nước sạch được chia làm hai giai đoạn, từ 1/7 đến 31/12/2023 và từ 1/1/2024 đến 31/12/2024. Giá nước sau 10 m3 đầu tiên sẽ tăng lũy tiến.
Cụ thể, hộ gia đình sử dụng mỗi tháng trên 10 đến 20 m3, giá nước sáu tháng cuối năm sẽ tăng từ 7.052 lên 8.800 đồng/m3 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; sử dụng trên 20 đến 30 m3, giá tăng từ 8.669 lên 12.000 đồng và lên 16.000 đồng/m3 vào năm 2024.
Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30 m3 một hộ mỗi tháng vào năm 2024.
Với khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và phục vụ mục đích công cộng, giá nước sạch trong sáu tháng cuối năm là 12.000 đồng/m3 và năm 2024 là 13.500 đồng/m3. Với cơ sở sản xuất, giá nước 15.000 đồng/m3 trong sáu tháng cuối năm 2023 và tăng lên 16.000 đồng/m3 năm 2024.
Giá nước cho hoạt động kinh doanh dịch vụ cao nhất - 27.000 đồng/m3 trong sáu tháng cuối năm và tăng lên 29.000 đồng/m2 năm 2024.
Theo tính toán của liên ngành TP Hà Nội, nhu cầu dùng nước thực tế ở nội thành dao động 100-150 lít/ngày/người. Với mức tăng như trên, mỗi hộ sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/người, mỗi hộ trung bình sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền chi thêm là 10.000-13.000 đồng.
Tại cuộc họp báo định kỳ của UBND TP Hà Nội hôm 30/6, Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết 10 năm qua thành phố không tăng giá nước sạch. Năm 2019, thành phố lên kế hoạch tăng nhưng chưa thực hiện để đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong khi đó chi phí cấu thành giá nước đã biến động. Do chính sách hạn chế nước ngầm của nhà nước, thành phố phải kêu gọi đầu tư nhà máy nước mặt, có giá sản xuất cao hơn nước ngầm. Việc nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cũng đòi hỏi phải có các nguồn lực để đầu tư. Vì thế, năm 2022, trong xu thế bắt buộc điều chỉnh giá nước, các đơn vị đã nghiên cứu thận trọng.
Phương án giá đã tính đến chi phí hỗ trợ hộ cận nghèo, nhóm an sinh xã hội và so sánh mức dùng dưới 10 m3 thì chi phí giá nước sạch của Hà Nội đang thấp hơn một số tỉnh thành. Cụ thể, tiền nước phải chi trả 10 m3 đầu tiên của người dân Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ; Điện Biên 80.000 đồng/hộ, ông Dũng cho biết.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến hết năm 2022, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Trong đó, sản xuất nước ngầm 770.000 m3/ngày đêm và sản xuất nước mặt 750.000 m3/ngày đêm. Mạng cấp nước nông thôn có công suất thiết kế của từng trạm 300-1.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình toàn thành phố giảm từ 24% xuống dưới 18%.
Võ Hải