![]() |
Cục trưởng Lê Hồng Sơn. |
- Ông đánh giá thế nào về quyết định tạm dừng đăng ký xe máy của Hà Nội từ tháng 9/2003?
- Đây là vấn đề về tư duy và giải pháp quản lý xã hội. Lý do ban đầu là muốn có biện pháp thực hiện chủ trương giải quyết ách tắc và tai nạn giao thông. Theo tôi, đó là chủ trương tốt.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương đó bằng giải pháp của chính quyền địa phương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo cách cấm đoán và hạn chế quyền sở hữu tài sản cá nhân là không được. Đó là biểu hiện của tư duy quản lý theo dạng hành chính bó buộc. Khó thì đưa ra cấm đoán, hạn chế, đây là điều tối kỵ với nhà nước pháp quyền. Việc đưa ra phương án tạm dừng đăng ký xe máy ở một số quận nội thành của Hà Nội theo tôi là hạ sách, cũng tương tự như kiểu "sáng kiến" cho lưu hành xe máy theo ngày chẵn, lẽ hay cấm xe ngoại tỉnh vào thành phố.
Tới nay, quy định này vẫn không thu được kết quả như mong muốn. Ở Hà Nội, xe máy vẫn nhan nhản ngoài đường vì nhiều người ở tỉnh khác hay ngoại thành vẫn mang phương tiện về thành phố. Người ở nội thành thì đi mua suất đăng ký xe máy để được sử dụng.
- Dưới góc độ pháp lý, quyết định tạm dừng đăng ký xe máy theo ông có vi phạm quyền sở hữu tài sản của người dân được quy định tại Bộ luật dân sự?
- Đúng là có vấn đề đó. Dân có quyền mua, nhà nước phải cho đăng ký. Hà Nội chỉ thông báo là tạm dừng, nếu nói cấm hẳn là các cơ quan thẩm quyền vào cuộc ngay. Ngay từ lúc nhận được quy định này tôi đã suy nghĩ mãi. Đó chỉ là giải pháp tình thế thí điểm trong quản lý nên có thể tạm thời chấp nhận. Muốn cấm hay hạn chế quyền cơ bản của dân phải do Quốc hội hay Thường vụ Quốc hội quy định.
- Nhưng quy định tạm dừng mà không xác định thời hạn tạm đến bao giờ thì khác gì với lệnh cấm thưa ông?
- Đúng là đã là tạm thì phải xác định thời hạn, theo tôi đây cũng là cách lách luật vì thực tế là cấm..Chúng tôi đang xem xét lại. Tôi nghĩ rằng, sau khi Bộ công an ra quyết định hủy bỏ việc cấm mỗi người đăng ký một xe vì trái luật thì Hà Nội cũng sẽ phải xem xét lại quyết định của mình.
- Nhưng nếu Hà Nội không xem xét việc hủy bỏ thì cơ quan nào có quyền can thiệp?
- Trước hết là bản thân ủy ban phải tự xem xét sau đó là HĐND. Ngoài ra, các cơ quan giám sát của Quốc hội và cơ quan kiểm tra theo thẩm quyền có thể can thiệp.
- Trở lại với vấn đề, Bộ Công an, bỏ quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy. Bộ Tư pháp và Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã khẳng định đây là văn bản vi phạm hiến pháp và luật dân sự. Vậy tại sao, một văn bản như vậy lại có thể kéo dài tới 3 năm với hàng loạt hệ lụy cho người dân?
- Thông tư của một bộ, thì Bộ Tư pháp không có chức năng thẩm định. Bộ chỉ thẩm định dự thảo văn bản của Thủ tướng trở lên. Người ta ban hành thì tự kiểm tra, rà soát; còn việc kiểm tra của Bộ thì mới khởi dựng. Nhưng cũng phải thừa nhận là để một văn bản trái luật tồn tại như vậy là quá lâu, cơ chế giải quyết trong thời gian vừa qua có khoảng trống và chưa quyết liệt. Còn việc giám sát của Quốc hội chẳng qua là cú hích cuối cùng rất quan trọng và đủ tầm nhà nước buộc chủ quản phải chỉnh sức thông tư 02. Trước đó đã qua quá trình thảo luận, tranh luận để xem nội dung đó có phù hợp với hiến pháp không. Ý kiến chung là không, nhưng "thuốc chữa" chưa đủ liều, chưa đến mức yêu cầu quyết liệt.
- Theo ông, văn bản quy phạm sai, gây hậu quả đối tượng chịu điều chỉnh có quyền khởi kiện?
- Văn bản ra tác động đến quyền hợp pháp của công dân, thì họ có quyền kiến nghị, khiếu nại. Còn khởi kiện văn bản quy phạm pháp luật thì chưa. Hiện, luật mới cho phép khởi kiện quyết định hành chính, cá biệt. Nếu áp dụng những văn bản trái pháp luật và xử lý đụng chạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của dân thì dân có quyền khởi kiện ra toà hành chính.
- Người ra văn bản sai phải bồi thường. Ông nghĩ thế nào?
- Điều này còn phải bàn. Khi ban hành văn bản, họ nhân danh cơ quan nhà nước nên trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan. Khi gây thiệt hại, cơ quan đứng ra, xem trách nhiệm bồi thường. Còn việc sau đó cá nhân này làm việc với cơ quan thì khác.
- Quan điểm của ông về việc bồi thường như thế nào?
- Ban hành sai, gây hậu quả phải khôi phục lại. Nếu gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường. Đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước công dân. Về nguyên tắc phải bồi thường kể cả trong dân sự, xử lý văn bản.
Trưởng ban tuyên truyền Thành Hội luật gia TP HCM, luật sư Nguyễn Văn Hậu: Phải quy định trách nhiệm đối với người ra văn bản trái luật

Ông Nguyễn Văn Hậu.
"Trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi văn bản ban hành sai thì người ban hành có chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại hay không lại không được quy định. Đây chính là kẽ hở. Rõ ràng văn bản sai thì sẽ gây thiệt hại, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người nhưng không có biện pháp chế tài. Ở đây, luật không cho thấy trách nhiệm của người ban hành văn bản.
Tuy phải gánh chịu những khó khăn, thiệt hại do các văn bản trái luật trên gây ra nhưng người ảnh hưởng không thể khởi kiện hoặc khiếu nại hay yêu cầu bồi thường thiệt hại vì văn bản đó không quy định chế tài đối với người ban hành sai. Ngay cả thông tư 02 của Bộ Công an, mặc dù trái luật, ảnh hưởng đến nhiều người nhưng người dân không thể khởi kiện. Sắp tới, chúng ta cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu Bộ ngành ban hành văn bản quy phạm. Nếu như văn bản ban hành sai, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân thì người đứng đầu Bộ ngành ban hành văn bản đó sẽ phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại.
Theo tôi, nếu Bộ Công an trưng cầu ý kiến của một số ngành, chuyên gia và ý kiến của người dân về thông tư 02 thì sẽ không xảy ra tình trạng ban hành trái luật như vậy.
Anh Thư - Việt Hòa