Trước ý kiến cho rằng, việc ngừng đăng ký xe máy ở Hà Nội là "lách luật", vi phạm quyền sở hữu tài sản của người dân, bà Ngô Thị Doãn Thanh dẫn giải, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 15 về hạn chế phương tiện giao thông và Nghị quyết 13 có đề cập đến giảm phương tiện cá nhân, cho phép Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các thành phố Hà Nội, HCM đưa ra các biện pháp thích hợp. Ngoài ra, Hà Nội còn có Pháp lệnh thủ đô nên có thể đưa ra những biện pháp đặc thù phù hợp. Bà Thanh cho rằng, đây chính là những cơ sở pháp lý để HĐND thành phố đã cho phép UBND tiến hành thí điểm ngừng đăng ký xe máy tại một số quận nội thành.
Tuy nhiên, với tư cách là người "làm luật", Phó ban pháp chế HĐND thành phố Vũ Quỹ Trị lại khá dè dặt khi đề cập đến tính pháp lý của quy định này. Ông cho rằng, cơ sở pháp lý của quyết định ngừng đăng ký xe máy thời điểm này vẫn được Ban pháp chế... nghiên cứu. Theo ông, Luật Dân sự cho phép người dân sở hữu tài sản, còn Nghị quyết 13 của Chính phủ đưa ra phương hướng điều tiết, giảm dần phương tiện cá nhân nội đô, chứ không bắt buộc ngừng sở hữu tài sản.
Khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica), cho thấy, tỷ lệ dân số Hà Nội có 13% người đi bộ, 63% người đi xe máy, 15% sử dụng ôtô con, còn lại đi các phương tiện khác. Hà Nội đang chịu cảnh ùn tắc nghiêm trọng, mỗi km đường nội thành đang "gánh" 435 ôtô, 4.520 xe máy, trong khi ở ngoại thành là 138 ôtô, 1430 xe máy, tỷ lệ tai nạn do xe máy gây ra là 64%. |
Ông Vũ Văn Hoạt, Uỷ viên thường trực HĐND cũng nói nước đôi: "Quy định cũng có cái đúng cái sai, nên cần thí điểm và điều chỉnh".
Trước vấn đề nhạy cảm còn nhiều ý kiến băn khoăn, bà Thanh cho biết, hiện các sở, ngành đánh giá lại hiệu quả của 9 nhóm giải pháp và sẽ báo cáo tại kỳ họp HĐND thành phố ngày mai (7/12). "Những biện pháp không hiệu quả sẽ được bãi bỏ, tuy nhiên, giải pháp nào có hiệu quả song trái với quy định hiện hành thì sẽ được điều chỉnh. Nếu cần, Hà Nội sẽ xin ý kiến Chính phủ, quốc hội", bà Thanh nói.
Vài ngày trước khi họp HĐND, lãnh đạo thành phố đã rốt ráo yêu cầu các cơ quan tham mưu như Sở Giao thông công chính, Công an TP ...ngồi lại đánh giá về các vấn đề liên quan. Bên cạnh một số ý kiến cho rằng, quy định ngừng đăng ký xe máy chưa mang lại hiệu quả, lượng xe máy lưu hành trong nội đô không giảm mà còn gây nhiều vấn đề tiêu cực, rối ren trong xã hội thì còn nhiều ý kiến lại lập luận, nếu không có biện pháp mạnh này thì rất khó giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, hiện chưa có một ý kiến chính thức nào khẳng định quy định tạm ngừng đăng ký xe máy của Hà Nội là đúng luật.
Việc Bộ Công an vừa bãi bỏ quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy do trái lụât, đã khiến nhiều người lật lại tính pháp lý trong quy định của HĐND TP về tạm ngừng đăng ký xe máy. Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, tiến sĩ Lê Hồng Sơn đã nhận định với VnExpress, quy định của Hà Nội là cách lách luật và phải xem xét lại.
Cùng ngày, trả lời về vấn đề này, người phát ngôn Thủ tướng, ông Nguyễn Kinh Quốc cho hay, Thủ tướng đã nhắc nhở Hà Nội về quy định tạm ngừng đăng ký xe máy 7 quận nội thành. Tuy nhiên, cần phải dành thời gian cho Hà Nội nghiên cứu kỹ hướng xử lý. "Nếu tiếp tục cấm Hà Nội phải giải thích rõ quy định đó có vi phạm pháp luật không và hiệu quả ra sao. Nếu bãi bỏ lệnh cấm thì cũng phải có hướng giảm tải ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông", ông Quốc nói. Theo ông Nguyễn Kinh Quốc, các nhà quản lý đô thị phải nghĩ ra các giải pháp giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn, nhưng không nên sử dụng biện pháp cấm đăng ký xe máy. "Cá nhân tôi không đồng tình với quy định ngừng đăng ký xe của Hà Nội. Một người có thể mua 10 xe máy nhưng người ta không thể đi cùng một lúc cả 10 xe ra đường", ông Quốc bày tỏ. |
Đoàn Loan - Việt Anh