Ngày 12/8, tại cuộc họp UBND TP Hà Nội, nhiều ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện đã kiến nghị cần sớm có chính sách, cơ chế hợp nhất để xóa bỏ những điểm “vênh” giữa các địa phương mới sáp nhập.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT, Hà Nội đang thiếu khoảng 4.000 giáo viên. Nhu cầu tuyển dụng rất lớn nhưng do cơ chế tuyển dụng của Hà Nội và Hà Tây trước đây khác nhau nên hiện nay Sở không biết nên áp dụng quy trình nào. Thành phố cần sớm thống nhất quy chế để bổ sung giáo viên phục vụ cho năm học mới bắt đầu từ 25/8.
![]() |
Nhiều cơ chế, chính sách ở Hà Nội sẽ thay đổi. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất cũng là một trong những vấn đề “nóng” của Hà Nội hiện nay. Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội nêu ý kiến: “Chúng tôi đã nghiên cứu chính sách của Hà Tây trước đây và nhận thấy chính sách của Hà Nội chi tiết hơn, hoàn toàn có thể áp dụng ngay cho thủ đô mới, thành phố hiện có hơn 400 dự án đang triển khai nên cần sớm thống nhất cơ chế, chính sách”.
Ông Nguyễn Đức Biền cũng đề nghị giá đất bồi thường vẫn giữ nguyên mức giá như HĐND các địa phương thông qua.
Đến nay, các ngành đã tiến hành rà soát và đề nghị UBND TP chỉ đạo xây dựng và ban hành ngay 44 cơ chế, chính sách thay thế văn bản cũ. Sở Tư pháp đề nghị UBND thành phố kiến nghị Thường trực HĐND xem xét triệu tập kỳ họp bất thường của HĐND để bàn bạc, thông qua một số cơ chế, chính sách về phân cấp.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh, thành phố sẽ ưu tiên điều chỉnh gấp một số cơ chế, chính sách, nhất là vấn đề phân cấp vì nếu không làm ngay sẽ rất khó trong điều hành, gây ách tắc trên toàn thành phố.
Trước đòi hỏi của thực tế, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo khẳng định, các văn bản này sẽ được hoàn tất trong tháng 10. Riêng các chính sách có thể vận dụng, thành phố sẽ xem xét ban hành ngay.
Đoàn Loan