Sáng 5/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 tại Hà Nội. Lãnh đạo 63 tỉnh thành tham gia theo phương thức trực tuyến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp dự hội nghị.
Trong gần 4 tiếng không nghỉ giải lao, lãnh đạo Bộ Giáo dục đã điểm lại những gì được và chưa được ở năm học cũ, những việc cần làm trước năm học mới. Lãnh đạo các tỉnh, thành, chuyên gia lần lượt phát biểu, nói lên đề xuất cho giáo dục hiện nay.
Ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh ngoại ngữ
Là lãnh đạo tỉnh thành đầu tiên phát biểu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thủ đô hiện có hơn 2.600 trường học, trong nội thành vẫn quá tải còn ngoại thành chưa đến 20 cháu một lớp. Chất lượng giáo dục thủ đô còn nhiều tồn tại như học trái tuyến, dạy thêm, học thêm, chất lượng dạy và học ở các trường không đồng đều. Qua kiểm tra, hệ thống cấp nước sạch, nhà vệ sinh còn nhức nhối. Hà Nội sẽ tập trung sửa trong thời gian tới.
Người đứng đầu thành phố đưa ra 9 việc cần làm của giáo dục thủ đô. Trong đó có đưa công nghệ vào giáo dục, đặc biệt là tiểu học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giảm tải nhiều cho các trường, như vừa rồi Hà Nội áp dụng tuyển sinh trực tuyến mầm non và tiểu học, hơn 600.000 học sinh thủ đô được tuyển sinh qua mạng mà phụ huynh không phải đến trường đăng ký. Năm học tới, Hà Nội sẽ áp dụng hình thức quản lý học sinh bằng học bạ điện tử.
Ông cũng đề xuất Bộ Giáo dục cần một chương trình định hướng khi học sinh vào lớp 9 để các em có tư duy về học nghề.
Ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường dạy ngoại ngữ, tin học trong năm học mới cũng là trăn trở của lãnh đạo các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Cần Thơ.
Tỉnh, thành muốn tự chủ thi THPT quốc gia
Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch UBND Cần Thơ hoan nghênh những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia. Ông cho biết trước đây mỗi năm tỉnh này tiếp nhận khoảng 120.000 thí sinh, phụ huynh nhưng hai năm qua kỳ thi đổi mới đã giảm tải nhiều cho thành phố. Ông kiến nghị Bộ Giáo dục nghiên cứu giao quyền chủ động cho các tỉnh, thành tổ chức thi THPT quốc gia và xét kết quả tốt nghiệp theo hướng dẫn của Bộ; tham mưu cho Chính phủ về phân cấp rõ ràng hơn nữa trong quản lý, thực hiện tự chủ cho địa phương cũng như cho cơ sở giáo dục.
Chung ý kiến với ông Tâm, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cũng đề xuất giao kỳ thi THPT quốc gia về cho các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức, giảm tải cho Bộ Giáo dục. "Hy vọng bộ mặt của ngành giáo dục sẽ đổi mới toàn diện theo hướng phát triển và xứng đáng với nhiệm vụ giáo dục là quốc sách hàng đầu", bà nói.
Tự chủ đại học không chỉ là thí điểm
TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị Bộ Giáo dục, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cho các trường tự chủ vay có lãi suất thấp, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn ODA. "Các trường tự chủ muốn vay chứ không muốn xin ngân sách", ông nói.
Chính phủ cho một số trường đại học thực hiện đề án thí điểm tự chủ đến năm 2017, nhiều đại học muốn cơ chế này kéo dài hoặc được chính thức hóa thành cơ chế tự chủ chứ không phải là thí điểm nữa. Ông Đạt kiến nghị Bộ sớm có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện nội dung tự chủ, không bó hẹp ở mặt tài chính mà còn tự chủ về năng lực tuyển sinh, bộ máy nhân sự, sớm công bố xếp hạng các trường tự chủ để có thêm sự đồng thuận từ xã hội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố hiện có một trường Đại học Thủ đô và 3 trường cao đẳng. Ông cũng đề xuất cơ chế tự chủ tài chính cho các trường này.
Chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ngành đang trong quá trình đổi mới, cần những bước đi trung gian vững chắc chứ không thể thay đổi trọn vẹn cùng lúc. Ví như trước khi đổi mới có tới 4 kỳ thi khiến cả xã hội bức xúc. Nhưng nay chỉ còn một kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh thành.
Theo Phó thủ tướng, thời gian tới thay vì để các trường xin tự chủ thì sẽ yêu cầu các trường tự chủ. Thay vì cho thì sẽ có các gói tín dụng ưu đãi để các trường phát triển. Nhưng muốn tự chủ được thì cũng phải đảm bảo được những yêu cầu cơ bản nhất.
Đi khảo sát một loạt trường, ông thấy phòng hiệu trưởng điều kiện rất tốt, nhà vệ sinh sạch sẽ, nhưng nhà vệ sinh của các cháu thì bẩn kinh khủng. "Nếu coi học sinh là trung tâm của giáo dục thì những việc vì học sinh phải làm ngay", ông nói và đề nghị khôi phục lại tinh thần yêu lao động như trực nhật, dọn vệ sinh trường lớp để đảm bảo các em phát triển đồng đều thể chất, trí tuệ và tâm hồn.
>> Xem thêm: Thủ tướng: Việt Nam chưa giàu đã già nếu không đột phá
Hoàng Phương