"Ngày mai cần tăng cường kiểm tra, trường hợp nào không nằm trong diện được đi ra ngoài đường sẽ bị phạt", ông Chung nói tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố vào chiều 3/4. Tuy vậy, cách nào để xác định được người ra đường không vì mục đích thiết yếu chưa được lãnh đạo thành phố đề cập.
Đánh giá thành phố đang bước vào giai đoạn dịch dễ lây lan trong cộng đồng, ông Chung đề nghị tất cả mọi người ở nhà, khẳng định thành phố cần có những biện pháp mạnh để ngăn dịch lây lan trong cộng đồng.
Một tuần vừa qua số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội tăng gần gấp đôi so với 3 tuần trước và liên tục phát hiện các ca nhiễm mới ở ngoài cộng đồng.
Hà Nội đang thực hiện cách ly xã hội 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4, yêu cầu chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu. Diện này còn áp dụng với người làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa theo quy định.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp chiều 3/4. Ảnh: Võ Hải. |
Ông Chung dẫn phân tích của các chuyên gia: "Hành vi sai trái của 10% dân số (tăng tần suất đi ra ngoài) có thể nâng tỷ lệ lây nhiễm từ 30% lên xấp xỉ 60% dân số. Nếu hành vi sai trái được thực hiện bởi 40% dân số, việc cách ly không tạo ra được khác biệt nào, không có giá trị". Điều này cho thấy việc giám sát, tuyên truyền để người dân cách ly tại nhà là giải pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Yêu cầu xử phạt người ra đường không vì mục đích thiết yếu được ông Chung đưa ra trong bối cảnh người dẫn vẫn tụ tập đông người sau chỉ thị ngày 31/3 của thành phố "yêu cầu mọi người ở tại nhà". Một số điểm công cộng như công viên, vườn hoa người dân vẫn tập thể dục thể thao; một số quán game online lén lút hoạt động. Trước đó, thành phố cũng yêu cầu quận Tây Hồ rút kinh nghiệm khi để người dân tụ tập lễ vào ngày mùng 1.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, tính đến 12h ngày 3/4, CDC Hà Nội ghi nhận thành phố có 105 ca dương tính. Trong đó 36 trường hợp phát hiện do sàng lọc người đi về từ vùng dịch tại sân bay hoặc các điểm cách ly tập trung chưa về địa phương, 59 trường hợp phát hiện tại cộng đồng.
Với ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, cơ quan y tế đã xác minh trên 22.500 trường hợp tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm hơn 4.700 trường hợp. Kết quả, trên 1.800 người âm tính, 4 dương tính, còn lại đang chờ kết quả.
Trước khi có dịch, thành phố có 236 máy thở, hiện đã mua thêm 105 chiếc, đợt 2 sẽ mua thêm 37 chiếc, nâng tổng số lên 378. Hà Nội cũng đã mua hơn 300.000 bộ quần áo bảo hộ, đang mua bổ sung hơn 770.000 bộ.
Ngày 3/4 Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ ban hành Chỉ thị về "Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch CoVid-19 trên địa bàn thủ đô".
Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận, thống nhất cao trong việc thực hiện giãn cách toàn xã hội. Vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, thực hiện đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương; khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khỏe nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 và thực hiện cách ly theo đúng quy định; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần mỗi người dân thủ đô là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh vì an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình và có trách nhiệm với cộng đồng...
Võ Hải