Thành phố Hà Nội vừa ban hành đơn giá duy trì công viên, cây xanh. Theo quy trình, thảm cỏ tại các khu vực vườn hoa, công viên, dải phân cách, đảo giao thông được cắt trung bình 18 lần/năm.
Lý giải cho việc đưa ra số lần cắt như trên, thành phố Hà Nội cho rằng, cỏ phát triển nhanh nên cần cắt liên tục để tạo mầm, nhánh mới giúp bãi cỏ xanh, có độ dầy chịu được sự giẫm đạp ở nơi công cộng.
Để thảm cỏ xanh, sạch, đảm bảo mỹ quan, Hà Nội cũng đề ra yêu cầu thường xuyên bố trí người nhổ cây cỏ dại, nhặt quét rác trên bãi cỏ. Việc tưới nước cũng được quy định cụ thể với trung bình 138 lần/năm.
Mức giá duy trì cây cảnh, thảm cỏ được đưa ra trong quy định lần này tối đa hơn 9.400 đồng/m2/tháng và thấp nhất trên 1.500 đồng/m2/tháng. Quy định về quy trình, đơn giá mới được thành phố áp dụng từ ngày 1/1.
Trong quy định cũ, việc thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị với lĩnh vực duy trì công viên cây xanh có 431 mã đơn giá, trong đó riêng việc trồng, xén và duy trì thảm cỏ có 32 mục khác nhau, như: Phí xén cỏ mùa khô, mùa mưa, phí trồng cỏ, phun thuốc phòng sâu bệnh, vệ sinh thảm cỏ...
UBND thành phố cho hay, qua rà soát theo hướng “tăng cường cơ giới hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành”, đơn giá cho công việc duy trì công viên cây xanh giảm được 386 mã, chỉ còn 63 mã. Thành phố cũng giảm 40% kinh phí đặt hàng thường xuyên lĩnh vực duy trì công viên cây xanh.
Trước đó ngày 15/8/2016, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết mỗi năm, riêng chi phí cắt cỏ, tỉa cây trúc anh đào, dâm bụt cho 24 km đại lộ Thăng Long là 53 tỷ đồng. Cho rằng mức giá trên là “không thể chấp nhận được”, ông Chung yêu cầu dừng việc cắt cỏ, tỉa cây trên toàn tuyến từ 1/7, chỉ duy trì một số khu vực trung tâm.
Ngoài đại lộ Thăng Long, việc duy trì cây xanh, thảm cỏ trên nhiều tuyến đường khác của Hà Nội cũng có mức giá hàng chục tỷ đồng. Số liệu công khai từ Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2015 cho thấy, 8 doanh nghiệp trúng thầu 8 dự án duy trì cây xanh, thảm cỏ ở các tuyến đường tại Hà Nội.
Cụ thể, dự án đường Lê Trọng Tấn và Phúc La - Văn Phú trị giá 41 tỷ đồng với khoảng 11 km. Dự án đường Vành đai III đoạn từ nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ đến nút giao Phù Đổng với chiều dài 15 km được thực hiện với mức giá trên 43 tỷ đồng; đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến nút giao Trung Hòa có giá hơn 28 tỷ đồng cho 5,5 km đường...
Võ Hải