Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của Hà Nội chiều 18/6, công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho kỳ thi được đặc biệt nhấn mạnh. Phó chủ tịch thành phố Ngô Văn Quý nhiều lần nhắc chuyện lọt đề thi vào lớp 10 ngày 7/6 và yêu cầu các đơn vị phải rút kinh nghiệm.
"Cả hệ thống từ thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn… đều tích cực tổ chức thực hiện nghiêm túc kỳ thi lớp 10 THPT mà cuối cùng chỉ vì một cán bộ chụp ảnh gửi đề ra ngoài đã ảnh hưởng đến tất cả", ông Quý nói.
Lãnh đạo UBND Hà Nội yêu cầu Sở Giáo dục và các trường đại học khi tập huấn công tác thi cho cán bộ, giáo viên, giảng viên phải thông tin lại sự cố lọt đề ở kỳ thi vào lớp 10. Từng giáo viên phải nắm được quy chế thi, làm việc nghiêm túc, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào trong kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài cán bộ coi thi chính thức, đội ngũ dự phòng cũng cần được tập huấn kỹ lưỡng.
Phó trưởng phòng PA83 (Công an thành phố Hà Nội) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, công tác tập huấn cán bộ làm thi có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát, phát hiện gian lận thi cử. Bởi lẽ các thiết bị gian lận dù là tai nghe siêu nhỏ muốn kích hoạt cũng phải sử dụng sim, điện thoại.
"Nếu ngay từ đầu cán bộ làm thi rà soát kỹ lưỡng không cho từ cán bộ coi thi đến thí sinh mang thiết bị truyền tin vào phòng thì sẽ loại được các sự cố có thể xảy ra", ông Hùng nói. Nhắc lại việc lọt đề thi vào lớp 10 của Hà Nội vừa qua, Phó trưởng phòng PA83 nhấn mạnh, chính cán bộ coi thi đã thực hiện sai quy chế khi mang điện thoại di động vào phòng.
Đại diện công an Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua đã phát hiện và xử lý nhiều người mua bán hàng trăm thiết bị tai nghe siêu nhỏ. Đơn vị này đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn tuyệt đối kỳ thi THPT quốc gia và triển khai đến tất cả công an quận, huyện, thị xã… Hiện, một bộ phận cán bộ công an làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn bảo mật cho công tác in sao đề thi, sắp tới là vận chuyển đề, coi thi, chấm thi, đảm bảo giao thông thông suốt.
Theo kế hoạch, ngày 22/6 công an thành phố sẽ phối hợp với Sở Giáo dục tập huấn công tác coi thi THPT quốc gia cho cán bộ, giảng viên. Tại đây, một số cách để nhận biết thí sinh có biểu hiện bất thường, gian lận... sẽ được phổ biến.
Sáng 24/6, Sở Giáo dục sẽ giao đề thi tới 123 điểm thi trên toàn thành phố. Theo quy chế, khi giao nhận đề, trưởng điểm thi phải xuất trình quyết định điều động của Sở Giáo dục, chứng minh nhân nhân. Cán bộ này sau đó phải kiểm tra để khẳng định số lượng túi đề thi, số lượng đề thi ghi trên nhãn khớp với số phòng thi, số thí sinh đăng ký dự thi theo từng môn của điểm thi. Nếu phát hiện thiếu sót, trưởng điểm thi phải báo ngay cho ban coi thi để bổ sung kịp thời.
"Đề thi phải bảo quản trong tủ sắt có khóa, kể từ lúc nhận đề phải tổ chức bảo vệ đề thi đúng quy định: niêm phong túi đựng đề thi, công an trực bảo vệ liên tục 24/24h, mỗi lần mở niêm phong tủ đựng đề thi phải lập biên bản có chữ ký của phó trưởng điểm thi là người của trường đại học, trước sự chứng kiến của thanh tra điểm thi và cán bộ an ninh", lãnh đạo Sở Giáo dục nhấn mạnh.
Năm 2018, Hà Nội có hơn 79.600 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, tăng 6.000 so với năm trước. Số học sinh thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh đại học là hơn 62.100; chỉ để tuyển sinh là 4.160.
Với số lượng thí sinh đông nhất cả nước, Hà Nội bố trí 123 điểm thi, trên 3.300 phòng thi và hơn 8.000 cán bộ, giảng viên, giáo viên làm công tác coi thi, phục vụ, đảm bảo an ninh.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, 10 trường đại học phối hợp tổ chức và các quận, huyện có điểm thi đều cho biết, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi.
Ngày 7/6, hơn 94.000 thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 - con số cao nhất từ trước đến nay. Khi thời gian làm bài trôi qua được khoảng 60 phút, cả đề Văn và Toán bị lọt ra ngoài, xuất hiện trên mạng xã hội. Nhà chức trách phát hiện giáo viên Nông Hoàng Phúc, trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn) mang điện thoại vào phòng, chụp đề thi và truyền ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội (Đông Anh). Giáo viên này đã bị đình chỉ công tác 30 ngày. |