Thực hiện giám sát an toàn thực phẩm trong tháng 8 và 9, cơ quan chức năng nhận định, việc sử dụng chất cấm ở phía Nam có dấu hiệu chùng xuống nhưng lại bùng lên ở phía Bắc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã lấy 63 mẫu rau quả kiểm nghiệm đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 30 mẫu thịt lợn và 30 mẫu thịt gà để phân tích các chỉ tiêu vi sinh và hóa chất.
Kết quả cho thấy, hơn 22% mẫu rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép của Việt Nam; hơn 3% thịt lợn có dư lượng Sulfadimidine (kháng sinh kích thích tăng trọng) vượt mức giới hạn cho phép và 10% mẫu thịt lợn, gà nhiễm Salmonella (một loại vi khuẩn).
Còn tại TP HCM, Sở Nông nghiệp đã lấy 51 mẫu rau quả kiểm nghiệm đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 17 mẫu thịt lợn và 18 mẫu thịt gà để phân tích các chỉ tiêu vi sinh và hóa chất. Theo đó, 20% mẫu thịt lợn, gà nhiễm Salmonella; còn các mẫu rau quả đều đạt yêu cầu theo quy định của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát, hiện nhiều người chăn nuôi lạm dụng chất cấm, kháng sinh cấm vốn chỉ dùng làm thuốc cho con người để trộn vào thức ăn nhằm kích thích tăng trưởng và ngừa bệnh. Việc làm này khiến dư lượng thuốc tồn đọng lớn và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng. "Sử dụng chất cấm, kháng sinh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì tội ác không khác gì ma túy", Bộ trưởng Phát nhấn mạnh, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc của những chất cấm đó.
Từ nay đến tháng 2/2016, Bộ Nông nghiệp sẽ mở đợt cao điểm về an toàn thực phẩm, trong đó đặt ra mục tiêu là kiên quyết chặn dứt điểm tình trạng buôn bán sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tạo sự chuyển biến về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Lực lượng chức năng còn lấy 68 mẫu nhuyễn thể và 118 mẫu nước để phân tích chỉ tiêu tảo độc, độc tố sinh học, vi sinh vật (E.coli); 365 mẫu thủy sản nuôi để phân tích các chỉ tiêu vi sinh và dư lượng các chất độc hại, qua đó, phát hiện 3 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm. Trong đó, một mẫu cá tra tại Bến Tre có dư lượng kháng sinh Invermectin; một mẫu tôm thẻ chân trắng tại Tiền Giang có dư lượng kháng sinh cấm Leucomalachite Green và một mẫu tôm thẻ chân trắng tại Hải Phòng nhiễm kháng sinh cấm Chloramphenicol. |
Hương Thu