Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đặt ra mục tiêu trên trong Lễ phát động Tết trồng cây xuân Tân Sửu 2021 và hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, sáng 21/2.
Ông Ngọc Anh cho biết, Hà Nội đã hoàn thành "Chương trình một triệu cây xanh" trước hai năm và đã hoàn thành việc trồng thêm 600.000 cây đô thị, phủ kín trên 250 tuyến đường tạo bóng mát, ngăn gió, chống bụi, chống ồn.
Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 "phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại" và đến năm 2030 "Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại".
"Thành phố khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân trồng cây xanh, cây cảnh, trang trí hoa trong khuôn viên nhà mình, trở thành nét đẹp của kiến trúc cảnh quan đô thị, để Hà Nội trở thành thành phố 4 mùa hoa nở, luôn sáng, xanh, sạch, đẹp", ông Ngọc Anh nói.
Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu từng cơ quan, đơn vị tổ chức phát động lễ trồng cây phù hợp với điều kiện, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức. Các quận, huyện, thị xã tuyên truyền đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cho biết hệ thống cây xanh công cộng cấp đô thị chưa được đầu tư thích đáng, tỷ lệ đất công có cây xanh đạt rất thấp so với tiêu chuẩn. Đến nay tại các thành phố lớn nhất cả nước trung bình cây xanh vẫn chưa đạt tỷ lệ theo quy hoạch chung là 7 m2/người ở khu vực nội đô và 12 m2/người ở khu vực ngoại thành.
"Để tạo điều kiện quản lý cây xanh sau khi trồng, chúng tôi đã xây dựng ứng dụng bản đồ dữ liệu cây xanh Việt Nam. Qua đó có thể giám sát quá trình sinh trưởng của cây, xác định khu vực xung yếu cần trồng cây để phòng hộ chống sa mạc hóa", Bộ trưởng Hà nói.
Tháng 11/2020, tại Quốc Hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra mục tiêu trồng một tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 để cải thiện độ che phủ.