Trong đó nghiêm trọng nhất là trạm đặt tại trụ sở UBND phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm với chỉ số chất lượng không khí (AQI) 247 - mức rất xấu. Cũng trạm này, lúc 3h sáng nay ô nhiễm lên cao nhất - mức nguy hại.
Đêm qua, lần đầu tiên trong ít nhất một năm trở lại đây cả 6 trạm quan trắc không khí gồm Minh Khai (huyện Bắc Từ Liêm), An Khánh (Hoài Đức), Chúc Sơn (Chương Mỹ), Tứ Hiệp (Thanh Trì), Vân Hà (Đông Anh) và Sài Sơn (Quốc Oai) chỉ số AQI vượt 200, tương đương với cảnh báo rất xấu.
Mức độ ô nhiễm gia tăng cũng được ba trạm quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận. Lúc 9h, chỉ số AQI ở trạm đặt tại đường Giải Phóng (Hai Bà Trưng) là 245, trạm Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) là 223.
Hệ thống quan trắc không khí của Đại sứ quán Mỹ cũng cảnh báo mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Trạm đo tại phố Từ Hoa, quận Tây Hồ chỉ số lên tới 430 tương đương với cảnh báo nguy hiểm.
Cùng lúc này trang tổng hợp hơn 30.000 trạm quan trắc không khí trên toàn thế giới (IQAir) xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất với chỉ số 294, thứ hai là Delhi, Ấn Độ 219. Trang này đưa ra dự báo tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ giảm dần từ ngày mai.
Đợt ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã duy trì 7 ngày nay khi không khí lạnh suy yếu, đêm trời lạnh, ngày nắng hanh, các yếu tố giúp giảm ô nhiễm như gió, mưa gần như không có.
Không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh miền Bắc cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí. Theo hệ thống quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, một số trạm đã trên mức rất xấu như TP Bắc Giang (Bắc Giang) chỉ số AQI 237, Hải Dương 237, Hưng Yên 237, Thái Bình 238, Thái Nguyên 207.
Các chuyên gia khuyến nghị tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng như miền Bắc sẽ tiếp diễn. Người dân cần hạn chế tối đa hoạt động ngoài trời, khi phải ra ngoài cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Nhóm người nhạy cảm, có tiền sử bệnh hô hấp nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh.
Cả Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như TP Hà Nội đang triển khai nhiều kế hoạch để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Trong đó có việc xây dựng vùng phát thải thấp, chuyển đổi phương tiện công cộng, thân thiện môi trường, rửa đường, quây rào ở các công trình xây dựng.
Hà Nội cũng đang hoàn thiện hệ thống quan trắc chất lượng không khí. Thành phố có hai trạm quan trắc không khí tự động, liên tục và 6 trạm cảm biến đang hoạt động, 28 trạm cảm biến đang bảo dưỡng do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Ngoài ra, còn có 4 trạm do Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trạm do Đại sứ quán Mỹ quản lý.