![]() |
Người dân ngõ 9 phường Phúc Tân chuyển đồ khi nước bắt đầu lên. |
Theo người dân khu Cầu Đất, nước bắt đầu tràn vào nhà từ trưa hôm qua và đang dâng cao hơn. Họ đã quen với cảnh này và luôn được thông báo về tình hình nước lũ nên đã kịp thời sơ tán đồ đạc đến nơi an toàn. Anh Toàn, người dân ở đây, cho biết: “Mùa lũ, ở ngoài đê thì tránh sao được nước ngập, sống quen thì tự biết đến lúc nào phải chuẩn bị. Ai mới đến cũng được nhắc nhở, giúp đỡ nên chẳng đáng lo. Lương thực thì không phải chuẩn bị gì vì hàng quán, chợ búa vẫn họp bình thường ở những khu lân cận. Đồ đạc của các gia đình được chuyển lên tầng trên nếu là những nhà cao tầng, còn nhà tầng thấp thì gửi sang hàng xóm. Không còn cảnh phải căng bạt nilon ở tạm trên đê như những năm trước".

Điểm trông xe của Đoàn thanh niên phường Phúc Tân đầu phố Bảo Linh.
Các dịch vụ trông xe để người dân đi đò vào những điểm ngập nước được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp. Xe máy, xe đạp xếp thành dãy dài dọc thân đê. Tại những điểm tư nhân, giá trông xe máy dao động từ 1.000 đến 2.000 đồng/lượt ban ngày và 2.000-3.000 qua đêm. Một số nơi miễn phí. Theo anh Linh, chị Hằng ở phường Chương Dương: "Người lạ mới lấy tiền chứ hàng xóm thì trông giúp, ai đưa bao nhiêu được bấy nhiêu". Anh Nguyễn Văn Anh, Bí thư đoàn phường Phúc Tân, cho biết: "Đội thanh niên tình nguyện phường có hơn 30 người, đã tổ chức trông xe cho dân được 3 mùa lũ, xuất phát từ việc trước đây, các điểm trông xe tư nhân lấy giá rất cao, có nơi lấy 8.000 đồng/xe gửi đêm. Khi có bãi của phường, họ mới giảm giá, một vài nơi vẫn cao hơn nhưng cũng chỉ đến 3.000 đồng". Nhờ hoạt động này mà quỹ đoàn có thêm nguồn thu nhưng cũng có khi phải chịu lỗ. Bởi mỗi đợt trông xe 4-6 ngày thu được 500-700 nghìn, mà chi phí ăn uống cho anh em đã mất 200-300 nghìn/ngày, chưa kể phải mua một số thứ như bạt che nắng, dây điện, bóng đèn thắp ban đêm...![]() |
Một số người không để xe ngoài bãi mà cố đưa lên đò, về tận nhà. |
Phường Phúc Tân có thể coi là khu vực ngập nặng nhất, có chỗ nước cao đến ngang ngực, 2 trong số 8 ngõ sông phải đi lại vận chuyển như đường thủy. Đoạn phố Bảo Linh, tổ 8, lượng xuồng đi lại khá nhiều, lúc nào cũng có khoảng 5, 6 chiếc sẵn sàng đón khách. Hầu hết số xuồng này của dân ở ven sông. Một số nơi khác như bãi Chương Dương, Phúc Xá... người dân cũng phải gửi xe và vào nhà bằng xuồng. Mỗi lượt ra, vào chỉ khoảng 1.000-1.500 đồng/người. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Đội chuyên trách trật tự đô thị phường Phúc Tân, vừa hướng dẫn xe ra vào vừa nói: "Từ ngày nước lên, đội tự quản kiêm luôn cả việc cảnh báo lũ, bảo vệ dân. Phường trang bị cho đội viên áo mưa, đèn pin... Mỗi ngõ có 1 chốt tuần tra để kiểm soát an ninh và quản lý giá tại các điểm trông xe, chở đò".
Khoảng 1/5 dân cư tại những địa bàn đang ngập nước là từ nơi khác đến, ở tạm bợ nên rất cần được trợ giúp trong mùa lũ. Do vậy, các phường Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương... đã lập đội cứu nạn và lực lượng ứng trực 24/24h tại UBND phường để hỗ trợ dân, từ việc giữ an ninh trật tự, an toàn hệ thống điện, cấm trẻ em bơi lội đến liên hệ điểm sơ tán cho những hộ khó khăn.
Mai Hương - Như Trang
Ảnh: Xuân Thu