TS Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: PV |
- Dưới góc nhìn của chuyên gia quy hoạch Hà Nội, ông có thể cho biết nguyên nhân úng ngập trên diện rộng tại thủ đô mấy ngày qua?
- Lưu lượng nước mưa là ngoài dự báo của quy hoạch thoát nước. Khi làm dự án thoát nước, chúng tôi đã nghiên cứu từ năm 1954. Năm 1998, Dự án thoát nước đã khởi động song chúng ta chưa tính đến các yếu tố thay đổi, chỉ tính toán lượng mưa là 310mm, tần suất trong 10 năm, song thực chất mưa hiện nay hơn 400mm. Với biến đổi khí hậu toàn cầu, thì thời tiết còn nhiều thay đổi.
Theo quy hoạch, dự kiến phát triển đô thị ở phía nam rộng 150km2 với 1,5 triệu dân, và đồng thời phát triển phía bắc, các huyện Đông Anh, Long Biên 100km2 với 1 triệu người, nhưng thực chất hiện nay Đông Anh không phát triển mà chuyển sang phía Tây, bám theo trục đường Láng Hòa Lạc - nơi không có hồ ao lớn.
Năm 1995, chúng tôi dự báo năm 2010, Hà Nội mới đạt được 3,3 triệu dân. Song thực tế năm 2007, Hà Nội đã là 3,4 triệu dân với gần 6.000 ha đất được xây dựng, cho thấy tốc độ đô thị hoá nhanh. Hà Nội còn nhập với Hà Tây nữa thì dự báo còn khác xa. Đã đến lúc phải điều chỉnh quy hoạch thoát nước của Hà Nội trong giai đoạn 2, chúng ta chưa lường trước được mức độ tăng trưởng của HN, nhất là tốc độ đô thị hoá.
- Trên thực tế, ngập nặng xảy ra ở các khu vực mới mở, còn các khu phố cũ thoát nước khá tốt, tại sao vậy?
- Theo quy hoạch, khu phố cổ là cốt 6m, trong khi xây dựng đã được dâng lên cốt 7, có nơi lên tới 10m. Hệ thống cống ngầm do Pháp quy hoạch năm 1920 và năm 1943 có tới 74 km. Như vậy, hệ thống này thoát nước tốt, trong khi đó khu vực phía nam thành phố có cốt thấp nên bị úng ngập là tất yếu.
Các khu đô thị mới xây dựng đều đã nâng cao cốt nền, song lại gây úng ngập cho các khu dân cư lân cận, vấn đề này đã không được giải quyết.
Năm 1995, Hà Nội có 110 hồ với hơn 2.100 ha, trong tổng diện tích đất xây dựng 10.000ha, song trên thực tế hiện nay đã san lấp hết 30% diện tích hồ trong khi đó lại không có hồ mới. Hồ Yên Sở dự định là 130ha thì hiện không xây dựng đủ, trong khu đô thị Ciputra dự kiến có 30ha hồ song nhà đầu tư vẫn không đào. Khu Yên Hoà có 20 ha mặt nước song thực tế không có. Khu Mỹ Đình dự kiến có công viên và hồ khoảng 10ha song không ai làm. Trong quy hoạch đều có hồ song các chủ đầu tư chỉ làm nhà mà không đầu tư đào hồ.
Mưa gây ngập nặng nhiều nơi ở thủ đô. Ảnh: Hoàng Hà
- Khu chung cư cũ cũng lâm cảnh ngập nặng, nguyên nhân vì sao?- Từ những năm 60, chuyên gia Ba Lan đã nghiên cứu và cho rằng nâng lên 0,6 đến 1m là được và thực tế đã nâng đến như vậy. Nhưng với dự án thoát nước đã thực hiện thì đáng lẽ ở đó phải nâng lên mấy mét. Do vậy, mới sinh ra úng ngập khu vực, chính quyền phải có giải pháp úng ngập khu vực.
- Vậy theo ông, giải pháp khi úng ngập trên diện rộng như thế nào?
- Với thực trạng phát triển đô thị của Hà Nội, chúng ta phải xử lý bơm ra theo đầu mối, quy hoạch thoát nước đã chia ra 4 khu vực lớn. Đó là, khu Ba Đình, phố cổ, quận Hai Bà Trưng sẽ dồn xuống Thanh Trì để qua trạm bơm Yên Sở; Khu vực Tả Nhuệ từ huyện Từ Liêm và Nhổn qua cống Liêm Mạc, đổ ra sông Hồng; Khu vực Hữu Nhuệ gồm một phần quận Tây Hồ. Một phần Hoàng Mai và huyện Đông Anh sử dụng đầm Vân Trì. Điều này chúng ta thực hiện rất yếu.
Lãnh đạo thành phố mới giải quyết bơm toàn diện với 1-2 trạm bơm thì không thể đáp ứng được. Các trạm bơm hiện nay chỉ có Yên Sở là lớn nhất song công suất cũng chưa đạt theo yêu cầu. Dự án đã phê duyệt công suất là 90m3/giây song chỉ làm đến công suất 45m3 là không đầu tư nữa, chờ giai đoạn 2.
Ngoài ra, chống ngập tại từng khu vực. Chúng ta thiếu các trạm bơm nhỏ để cứu tình trạng úng ngập cục bộ. Lãnh đạo Hà Nội phải có lực lượng ứng cứu ngay khi úng ngập cục bộ, nhưng cái này chưa làm được.
- Về lâu dài, giải pháp nào tối ưu để hạn chế úng ngập cho thủ đô?
- Theo tôi, khi đã có Hà Tây, có thêm 3.340 km2 thì phải giải các dự án xây dựng để tạo thành các hệ thống đô thị, chứ không đầu tư kiểu xôi đỗ, ảnh hưởng tới các khu dân cư lân cận. Hồ điều hoà phải chiếm 5-7% đất xây dựng, bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện bằng các cơ chế hợp lý.
Về lâu dài, phải có cơ quan quản lý xây dựng theo một đầu mối chứ không để quy hoạch vẽ trên giấy, trong khi ngành quy hoạch không có chức năng giám sát, các ngành khác như giao thông, xây dựng và quận huyện giám sát trong phạm vi của họ.
Đến 2010 mới hoàn thành dự án thoát nước giai đoạn 2, nên chúng ta phải đặt dữ liệu mới vào cho giai đoạn này, bởi diễn biến thời tiết thay đổi trong 15 năm, khi dự án hoàn tất sẽ lạc hậu.
Đoàn Loan