Đó cũng là lần cuối tôi bước chân ra ruộng làng mình.
Hai năm sau đó, lác đác xuất hiện các dự án bất động sản giữa những cánh đồng làng, chia cắt kênh mương. Nhà cửa hai bên đường cũng khang trang hơn, nhiều gia đình đã bán vườn để xây dựng cơ ngơi trên phần đất ít ỏi còn lại. Những ngôi làng ven đô giờ đây giống hệt nhau ở vẻ bề ngoài: nhà ống cao tầng, mái tôn thay mái ngói, những khu chung cư giữa cánh đồng, những mảnh ruộng quây kín và người nông dân không còn trồng cấy.
Cánh đồng làng giờ đây cỏ phủ ngút dầy khi mà hệ thống mương máng thủy lợi đã không còn được duy trì. Cả ruộng cao lẫn ruộng thấp đều không còn nước để gieo xuống đó những hạt giống, chúng chỉ chờ đến ngày được đền bù, giải tỏa. Ao làng bị lấp, nhanh chóng biến thành khu chợ tạm và bãi đổ phế liệu.
Kể từ đó, làng tôi năm nào cũng có đôi ba ngày lụt nặng. Nước tràn qua sân, mấp mé bậc thềm nhà, dẫu cho những ngôi nhà về sau đều được xây cao hơn trước.
Dân cũng đã được rèn luyện trong suốt gần chục năm nên đủ để trở thành người có kinh nghiệm sống với lũ. Người thì đi lại trên những chiếc bè tự chế. Ông chủ chuôm cá, nơi giờ là đất nền dự án, một năm đôi lần vẫn hạ chiếc thuyền xuống để dùng vào những ngày lụt. Con thuyền anh nhẹ nhàng lướt trên những con “phố”, giữa những ngôi biệt thự và chung cư dang dở.
Tuần này tôi cùng đồng nghiệp đi quay phim ngập lụt ở xã Cấn Hữu - Quốc Oai và những xã ngập sâu của Chương Mỹ, ký ức về ao đầm xưa cũ trong tôi sống dậy. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra câu chuyện đã khác hoàn toàn. Nó nghiêm trọng hơn.
Tôi ghi hình những dòng nước bẩn, phế thải hoà lẫn cùng nước lụt; những khuôn mặt mệt mỏi của người dân cả một tuần trời dầm trong nước và có thể còn lâu hơn, như thể họ chấp nhận hy sinh để cứu lũ cho toàn thành phố. Tôi ghi hình cả nơi không được trù tính để hy sinh, những ngôi làng ngoài đê, trong đê và cả ở những ngôi làng không có con đê nào nhưng đã biến mất ao chuôm, đồng ruộng. Chúng đều ngập.
Giới kiến trúc sư từ lâu đã khuyến cáo việc xây dựng và tính toán sinh kế lâu dài cho những “không gian bán ngập”, nhưng ý kiến chìm nghỉm trước làn sóng đang dâng cao của quyết tâm xây dựng “siêu đô thị” xứng tầm thế giới. Các không gian thoát nước bị bao vây bởi các lô dự án bất động sản, trong và ngoài thành phố. Và những ngón tay của các nhà chuyên môn, như bao lần, chỉ về phía các "quy hoạch không nghiêm túc".
Trong khi không ít cơ quan chức năng xin đầu tư cho thành phố để thông minh hơn, để “hiện đại sánh ngang các thành phố lớn trên thế giới”, thì hệ thống thoát nước ngay ở nội đô đã quá tải. Người dân nội thành Hà Nội cũng bơi trong mùa mưa như đồng bào mình ở “vùng chứa lũ”, chỉ là họ không có phao và thuyền. Chẳng hiểu từ khi nào, ngập lụt trở thành tính từ đi cùng với “Hà Nội”.
Nhiều không gian bán ngập trong nội đô và ngoại thành đã bị thu hẹp và biến thành những chung cư cao tầng, còn những vùng được quy hoạch thành vùng bán ngập, phân lũ, thường xuyên ngập lụt (Chương Mỹ, Quốc Oai) thì lại chưa có giải pháp về kiến trúc và sinh kế lâu dài cho người dân. Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội hôm qua giải thích về những ngôi làng ngâm nước, rằng dù là vùng thoát lũ và chứa lũ nhưng “người dân cứ đến ở” mặc dù đã tuyên truyền. Ông bảo lãnh đạo thành phố đã nhìn nhận được vấn đề. Vấn đề còn lại “chỉ là thời gian thực hiện và nguồn lực”.
Trong khi đợi thời gian và nguồn lực, chúng ta buộc phải sử dụng một thành ngữ sáo mòn “sống chung với lũ”. Nhiều người làng tôi và người làng bạn chia sẻ các bức ảnh chụp con ngõ đen ngầu lềnh phềnh rác. Tôi lặng lẽ lướt nhanh qua chúng. Tôi biết mình chưa sẵn sàng xắn quần lội qua dòng nước bẩn.
Tôi biết rằng tin tức về những ngôi làng ngâm nước ngoại thành sẽ mau chóng trôi đi, cho đến mùa này năm sau, như một chu trình luẩn quẩn của dòng nước không lối thoát.
Mai Đình Khôi