Sau khi thành phố công bố dự thảo học phí năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tối 16/5 phát đi văn bản nêu rõ căn cứ đề xuất mức thu học phí và lý do thành phố dừng cấp bù kinh phí để hỗ trợ phụ huynh.
Thứ nhất, Sở cho biết mức thu học phí của Hà Nội được xây dựng theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ. Văn bản này quy định mức sàn - mức trần học phí mỗi năm, bắt đầu từ 2022, và các địa phương được quyết định mức học phí phù hợp nằm trong khung này.
Cụ thể, ở bậc mầm non và phổ thông, học phí khu vực thành thị dao động 300.000-650.000 đồng; khu vực nông thôn 100.000-330.000 đồng; vùng miền núi và dân tộc thiểu số từ 50.000 đến 220.000 đồng một tháng. So với mức trước đó (năm 2015), khung mới tăng 2-5 lần.
Tuy nhiên, năm 2022, đời sống người dân khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, không địa phương nào áp dụng mức thu mới mà chi ngân sách để cấp bù hoặc miễn giảm, nên số tiền thực đóng của phụ huynh tương tự như năm 2021.
Từ năm 2023 trở đi, khung học phí sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng; tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng chi trả của người dân, không quá 7,5% mỗi năm.
"Nghị định nêu rõ: Các địa phương phải xây dựng mức học phí mới", công văn của Sở có đoạn.
Thứ hai, năm 2022, thu nhập bình quân của người dân Hà Nội tăng 7,01%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,4% so với năm 2021. Tính riêng bốn tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,81% với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, từ 1/7, lương cơ bản tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng một tháng, tương đương 20%.
"Đời sống người dân thành phố đã dần ổn định sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nền kinh tế đang dần phục hồi, thể hiện ở các chỉ số nêu trên", Sở đánh giá.
Với hai lý do này, Hà Nội dự kiến thu học phí năm 2023 bằng 2022 nhưng dừng cấp bù phần học phí tăng, nên số tiền thực nộp của phụ huynh cũng nhiều hơn. Trừ bậc tiểu học được miễn, học sinh mầm non và THCS ở nội thành phải đóng học phí gần gấp đôi, từ 155.000 đồng lên 300.000 đồng một tháng. Ở xã miền núi, học sinh THPT đóng 100.000 đồng một tháng, tăng hơn bốn lần so với mức cũ; bậc mầm non, THCS có mức đóng tăng khoảng hai lần, từ 19.000-24.000 đồng lên 50.000-100.000 đồng.
Dù mức đóng tăng, học phí mà Hà Nội dự kiến áp dụng trong năm học tới chỉ bằng mức sàn (mức thấp nhất) theo quy định của Chính phủ. Học sinh khuyết tật, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách vẫn được hưởng hỗ trợ. Sở ước tính hơn 16.620 em được miễn, giảm học phí, tổng kinh phí 16,6 tỷ đồng.
Học phí (đơn vị: đồng/học sinh/tháng) công lập dự kiến với các cấp học ở Hà Nội từ năm 2023-2024 như sau:
Vùng | Mầm non | Tiểu học | THCS | THPT |
Thành thị (phường, thị trấn) | 300.000 | 300.000 | 300.000 | 300.000 |
Nông thôn (xã, trừ xã miền núi) |
100.000 | 100.000 | 100.000 | 200.000 |
Dân tộc thiểu số và miền núi (các xã miền núi) | 50.000 | 50.000 | 50.000 | 100.000 |
Khi học trực tuyến, các trường thu 75% mức học phí theo mức đã ban hành. Nếu học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức học nào trên 14 ngày thì thu học phí theo hình thức đó.
Dự thảo Nghị quyết về học phí được lấy ý kiến từ 15/5, dự kiến trình HĐND thành phố Hà Nội vào tháng 7.
Hiện, ngoài Hà Nội, nhiều địa phương cũng xem xét thu học phí theo Nghị định 81, tăng so với hiện tại.
Hôm 10/5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá kỹ tác động để có chính sách học phí phù hợp với khả năng đóng góp, chi trả của người dân; có chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn, yếu thế để không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của nhóm này.
Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục sẽ không giảm, nhưng không cào bằng, dàn trải. Với việc thúc đẩy tự chủ, xã hội hoá ở những địa bàn thuận lợi, ngân sách nhà nước tập trung cho học sinh thuộc diện chính sách, khó khăn, yếu thế.
Thanh Hằng