Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm xung quanh một số đề xuất gần đây liên quan tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
- Một số đại biểu Quốc hội cho là điều đáng tiếc vì Quốc hội không dành thời gian mặc niệm Đại tướng trong buổi khai mạc. Ông nghĩ sao?
- Theo tôi vấn đề không phải là nhà nước có làm hay không mà cơ bản là người dân có tưởng niệm Đại tướng hay không.
Sự ra đi của Đại tướng là sự kiện rất lớn, gợi rất nhiều suy nghĩ. Tôi thấy rất nhiều người nói đến chuyện sự ra đi của Đại tướng khiến chúng ta nhận ra nhiều vấn đề không chỉ về tình cảm mà về cả ý thức, không chỉ đối với cá nhân Đại tướng mà với cả một di sản một thế hệ để lại.
- Sau khi Đại tướng yên nghỉ, có ý kiến đề xuất nên phong tặng một danh hiệu đặc biệt dành cho Đại tướng như Đại nguyên soái hay gắn danh xưng “Anh hùng dân tộc”. Quan điểm của ông như thế nào?
- Anh hùng dân tộc không phải chức danh do ai phong cả mà do chính nhân dân phong. Tôi cho rằng vấn đề đó nên để người dân thể hiện. Còn chức “Đại nguyên soái” có lẽ để thể hiện tấm lòng của người dân với Đại tướng, nhất là sau khi ông qua đời. Nhưng do luật chưa quy định, nên nếu muốn có thì phải chờ làm luật. Và sau nữa, như chính Đại tướng từng nói việc quan trọng nhất, vinh dự nhất đối với ông là danh hiệu Đại tướng do Bác Hồ phong.
Dẫu sao ai cũng biết ông là vị khai quốc công thần, vị tổng Tư lệnh duy nhất. Và có thể thấy người Pháp khi viết về ông đã rất tế nhị khi nói khái niệm “Đại tướng 4 sao” tương đương cấp vị cao nhất trong hệ thống quân đội của họ.
- Hội Sử học Việt Nam đã có kiến nghị với UBND Hà Nội về việc chọn con đường mang tên Đại tướng. Kiến nghị của Hội hiện nhận được phản hồi gì?
- Có thể nói ngay đó chính là mối quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Còn lại chỉ nặng về vấn đề kỹ thuật để chọn một con đường hợp lý. Tính hợp lý ở đây rõ ràng là rất cần thiết. Có người đặt vấn đề, đổi tên những con đường đã có tên thành tên Đại tướng. Điều này nên hết sức tránh, nhất là việc những tên phố cũ cũng rất ý nghĩa, đáng lưu danh. Còn nếu là đường mới thì cũng phải xứng tầm với Đại tướng. Đây cũng là bài toán không dễ vì trên thực tế chúng ta chưa chuẩn bị gì cả.
Chúng tôi thấy có một ý kiến rất hay, tương xứng với Đại tướng mà thuận lợi trong bối cảnh quỹ đường phố của Hà Nội không nhiều. Đó là gắn tên Đại tướng và đường Điện Biên Phủ là một. Vì không gian đường này rất đẹp, đi thẳng ra Ba Đình, nằm trong khu vực có các đường phố mang tên những vị tướng yêu nước trong lịch sử. Còn đường ra sân bay Nội Bài, chúng tôi cũng có kiến nghị nên đặt tên là đường Cách mạng tháng Tám – con đường từ chiến khu về. Cách mạng tháng Tám là ở thủ đô mà đến giờ Hà Nội vẫn chưa có con đường nào mang tên này trong khi ở Huế, TP. HCM đều có đường mang tên này rồi.
- Khảo sát thời gian qua cho thấy nhiều học sinh phổ thông cho biết không biết nhiều thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho dù học qua những bài về chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo ông, việc này nên được đổi mới, bổ sung như thế nào?
- Việc thiếu thông tin về Đại tướng trong sách giáo khoa đúng là nên xem xét lại. Phải nói thật là khi làm lịch sử hiện đại Việt Nam rất ít nói về cá nhân, cũng như xu hướng trong việc làm tượng. Đây là một phạm trù, quan điểm mà tôi cho rằng cũng nên thay đổi. Vấn đề cá nhân cần đặt đúng tầm, cần được tôn vinh trong lịch sử để thấy vai trò cá nhân đóng góp trong nền tảng của một dân tộc, một thế hệ. Tôi thấy rất nhiều vị tướng lừng danh mà bây giờ không có tượng đài.
- Vây từ góc độ lịch sử, như ông nói, phải chăng vẫn còn thiếu vắng những đánh giá xứng với tầm của Đại tướng?
- Lịch sử đương đại là vấn đề rất phức tạp nên chính thời gian sẽ là thứ thuốc hiện hình rõ nhất. Dịp vừa rồi, sự kiện Đại tướng qua đời đã làm sáng tỏ rất nhiều giá trị và tôi tin nó sẽ tác động nhiều trong đời sống xã hội, và in dấu trong lịch sử.
Nguyễn Hưng ghi