Theo kế hoạch kinh tế xã hội năm 2024 vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, ngoài trồng cây bóng mát, cây lấy gỗ, thành phố sẽ trồng khoảng 200.000 cây ăn quả và trồng bổ sung 20-30 ha rừng. Trong đó, riêng đợt trồng cây đầu xuân Giáp Thìn (từ 15 đến 24/2/2024), thành phố trồng 100.000-120.000 cây các loại.
Trên các tuyến giao thông, thành phố sẽ trồng cây bóng mát như muồng, sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long lão, ban Tây Bắc. Các khu di tích lịch sử, văn hóa, khu đô thị thị mới, công trình công cộng sẽ được trồng các loại cây bóng mát và thêm cây ăn quả như bưởi, nhãn, cam, quýt, táo. Các khu đất lâm nghiệp sẽ được trồng lim xanh, thông, keo, lát hoa, sao đen, mỡ...
Sau dịp Tết trồng cây, thời gian trồng cây có thể kéo dài trong vụ xuân (từ tháng 2 đến 4) và vụ thu (từ tháng 8 đến 10).
Thống kê của thành phố, hưởng ứng chương trình trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng, kể từ năm 2021 đến nay thành phố trồng mới hơn 133.000 cây bóng mát, 100.000 cây cảnh và 550.000 cây mảng, thảm cỏ.
Riêng năm 2023, diện tích rừng trồng mới đạt 47 ha, nâng tổng diện tích rừng toàn thành phố lên gần 18.600 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 6%.
Thành phố đã hoàn thành cải tạo 5 vườn hoa (Trúc Bạch - Ba Đình, Hoàng Văn Thụ - Hoàng Mai, Diên Hồng - Hoàn Kiếm, Ngọc Lâm - Long Biên và Lê Trực - Ba Đình); xây dựng mới 5 công viên CV1 (quận Cầu Giấy), Thiên văn học (quận Hà Đông), hai công viên Ngọc Thụy và Long Biên (quận Long Biên) và công viên hồ điều hòa Mai Dịch (quận Nam Từ Liêm). Hà Nội cũng đã phê duyệt chủ trương cải tạo ba công viên lớn gồm Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo.
Hà Nội hiện có khoảng 1,8 triệu cây xanh đô thị, chủ yếu là xà cừ, sấu, phượng, muồng, bằng lăng, giáng hương, bàng, chiêu liêu. Riêng giai đoạn 2016-2020, khoảng 1,6 triệu cây được trồng mới. Tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh đô thị của thành phố mới đạt khoảng 2 m2/người, trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt tối thiểu 6-7 m2/người.
Võ Hải