Chiều 1/7, HĐND TP Hà Nội thảo luận Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030. Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng nói thời gian qua thành phố xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm. Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở với sự tham gia của Bộ Công an liên quan đến công tác phòng cháy, cứu nạn. Tuy nhiên, quy định này mới mang tính thời điểm, chưa có sự đồng bộ, liên thông.
Ý thức đảm bảo an toàn phòng cháy, cứu nạn cứu hộ của người dân còn hạn chế. Chính quyền tuyên truyền "ra rả suốt ngày, nhà nào cũng ký cam kết", nhưng không phải ai cũng thực hiện. "Có công trình đang cho thuê trọ vi phạm phòng cháy, cảnh sát khu vực cấm, nhưng người dân vẫn vào ở. Người dân mua nhà ở đấy rồi thì không thể ngăn họ vào, khó khăn vô cùng", ông Tùng nói.
Phó giám đốc Công an Hà Nội cho rằng vấn đề cốt lõi là trật tự xây dựng, trong đó có thanh tra, kiểm tra việc cấp phép, giám sát xây dựng phải được thực hiện nghiêm túc. Có những vụ tồn tại quá lâu, qua nhiều thời kỳ, khi xảy ra cháy mới được lật lại. Như vụ cháy ở Thanh Xuân làm 56 người chết, nguyên nhân sâu xa là sai phạm về xây dựng từ năm 2015.
Cơ quan chức năng khi điều tra, tố tụng phải xem xét trách nhiệm của rất nhiều cán bộ trong giai đoạn này. Nhiều sai phạm về xây dựng kéo dài đến bây giờ vẫn chưa xử lý được. "Nếu đưa ra xử lý tất cả thì hết cán bộ, hết cả hệ thống chính quyền phường, chưa nói đến quận", ông Tùng nói.
Phó giám đốc Công an thành phố cho rằng việc đảm bảo an toàn phòng cháy phải có sự đồng hành của Nhà nước và nhân dân. Trong đó, Nhà nước cần mạnh dạn đầu tư về nhân lực, công nghệ, phương tiện, còn người dân cần cam kết, thực thi đúng quy định về xây dựng, phòng cháy.
Với việc Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, ông Tùng cho rằng thành phố đã có nhiều cơ chế đặc thù xây dựng hành lang pháp lý mạnh mẽ, thời gian tới cần "triệt tiêu những công trình vi phạm" theo lộ trình phù hợp với các giải pháp về kinh phí, chế tài pháp luật.
Ông Trần Hợp Dũng, Phó ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, đồng tình việc vi phạm quy hoạch, xây dựng làm gia tăng số vụ cháy nghiêm trọng. Nhà ở riêng lẻ và nhà chung cư cũ không còn đảm bảo quy định do lịch sử để lại cũng rất khó giải quyết dứt điểm. "Ta phải làm rõ thời gian tới thành phố sẽ có biện pháp gì đối với những khu dân cư không đảm bảo độ rộng mặt đường cho xe chữa cháy? Nên dừng cấp phép xây dựng các khu vực này", ông Dũng kiến nghị.
Hiện Hà Nội chưa xây dựng được mạng nước phòng cháy riêng mà phải dùng nước sinh hoạt. "Cách tận dụng thế này không đảm bảo vì khi xảy ra cháy, lượng nước có thể không đủ hoặc không đủ áp lực để phun", ông Dũng phân tích và đề xuất trước mắt thành phố thí điểm sử dụng hệ thống cấp nước, trữ nước của các hộ dân để chữa cháy khi khẩn cấp. Cùng với đó, thành phố cần rà soát toàn bộ hồ chứa hiện nay để đảm bảo nước cho công tác chữa cháy.
Theo đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030, TP Hà Nội đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2; 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Ngoài ra, dự thảo đề án cũng đặt ra 100% khu dân cư được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Đội dân phòng.
Đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200 m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước. Thành phố cũng dự kiến hoàn thành 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng.
Dự kiến sơ bộ khái toán kinh phí thực hiện đề án khoảng 26.300 tỷ đồng. Trong đó ngân sách thành phố khoảng 13.800 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện khoảng 12.500 tỷ đồng.
Thống kê từ năm 2014 đến hết 2023 (chưa cập nhật vụ cháy lớn từ đầu năm 2024 đến nay), Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy làm 202 người chết, 271 người bị thương. Tháng 9/2023, chung cư mini ở Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) bốc cháy làm 56 người chết, 37 người bị thương. Hôm 24/5 vừa qua, hỏa hoạn trên phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) làm 14 người chết, 6 người bị thương. Hai vụ đều xuất phát từ những ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ, nơi lực lượng phòng cháy khó tiếp cận.