Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội) cho biết, trong 4 tháng đầu năm số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thông báo của Bộ Y tế, các tuần gần đây, ở khu vực miền Nam cũng bắt đầu có xu hướng tăng sau thời gian chững giảm.
Hà Nội hiện chiếm hơn 50% số ca bệnh sốt xuất huyết của khu vực miền Bắc với 37 bệnh nhân, ổ dịch tiếp theo là Thái Bình. Theo ông Cảm, bệnh xuất hiện tại 47% quận, huyện của Hà Nội. Dự báo có khả năng dịch bùng phát nếu các biện pháp phòng chống không quyết liệt. Thông thường sau 4-5 năm, chu kỳ dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại. Năm 2014 là năm thứ 5 tính từ 2009 - thời điểm xảy ra dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.
Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương cũng nhận định tình hình dịch sốt xuất huyết đầu năm nay diễn biến phức tạp. Tại Malaysia tăng gần 4 lần, ở Singapore không giảm.
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đặt mục tiêu 100% xã phường tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đợt 1 vào tháng 5 và 6; tổ chức 30 chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành truyền bệnh tại các xã phường nguy cơ cao trong tháng 6 và 7.
Cùng với dịch sốt xuất huyết, các chuyên gia cũng lo ngại bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng do điều kiện thời tiết trong khi chưa có vắcxin phòng.
Từ đầu năm 2014, Việt Nam ghi nhận hơn 17.400 trường hợp mắc, 2 ca tử vong. Tại Hà Nội, tính đến ngày 5/5 ghi nhận hơn 190 ca tay chân miệng tại 26/30 quận, huyện; giảm gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Hạnh (Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho rằng nguy cơ dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, tả vẫn có thể xảy ra. Ông Hạnh yêu cầu trung tâm y tế dự phòng các quận huyện xây dựng kế hoạch phòng chống, tập trung tuyên truyền cho người dân, tập huấn cho cán bộ...
Đáp ứng nhu cầu tiêm phòng của người dân với những bệnh đã có vắcxin, ông Hạnh khuyến khích bên cạnh việc tiêm miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng, các quận huyện cần tổ chức các điểm tiêm chủng dịch vụ, không tập trung quá đông lên thành phố gây quá tải.
Hà Nội thông báo dịch sởi trên địa bàn thành phố đã có xu hướng chững lại và giảm. Tuy nhiên vẫn còn khoảng hơn 10 ca nặng đang nằm điều trị tại các bệnh viện tuyến trên - nguy cơ tử vong vẫn còn. |
Nam Phương