Cho ý kiến vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) chiều 9/6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay, theo thống kê dân số năm 2019, Hà Nội có hơn 8 triệu dân; áp lực lên hệ thống dịch vụ công tại thủ đô đang rất lớn.
"Chỉ tính riêng dân số quận Hoàng Mai đã khoảng 150.000 người, số người vãng lai 150.000 người nữa thì tổng bằng nửa tỉnh Hà Nam", ông Huệ nói và cho rằng khi không còn điều kiện riêng về đăng thường trú tại thủ đô như dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đề xuất, số dân sẽ còn tăng hơn nữa.
Hiện nay người dân muốn đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) cần có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thì từ hai năm trở lên. Ở Hà Nội, nếu đăng ký vào quận nội thành, người dân phải tạm trú từ ba năm trở lên; trường hợp ở nhà thuê thì bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định...
Trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương. Người dân đăng ký thường trú vào Hà Nội, TP HCM... chỉ cần làm thủ tục như với các tỉnh, thành khác.
Ông Vương Đình Huệ nhìn nhận, nếu bỏ điều kiện riêng theo đề xuất trên, khoảng một triệu người đang tạm trú ở thủ đô có thể chuyển sang thường trú. "Dân số của thành phố liên quan đến tiêu chí phân bổ ngân sách chi thường xuyên. Nếu dân số tăng thêm thì phải điều chỉnh lại chi ngân sách, Ban soạn thảo đã tính đến vấn đề này chưa", ông Huệ nêu băn khoăn.
Lãnh đạo TP Hà Nội phân tích thêm, quận Ba Đình đặt mục tiêu có 80% trường học chuẩn quốc gia năm 2025, trong khi đó huyện Đan Phượng đã 100% đạt chuẩn quốc gia. "Quận trung tâm thủ đô thua quận ngoại thành vì không còn đất xây trường", ông Huệ nói và cho biết, trường muốn đạt chuẩn cần đủ điều kiện về diện tích, tuy nhiên ở nội thành, trường xây cao lên lại vướng quy định luật Xây dựng là trường mầm non không quá 3 tầng để đảm bảo cứu hộ cứu nạn; đường nội bộ cũng phải rộng ít nhất 3,5 m cho phương tiện cứu hoả vào.
Đề cập việc người dân di cư từ phía Bắc vào Tây Nguyên và Chính phủ, Quốc hội đã phải bàn giải pháp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hạn chế tình trạng này, ông Huệ cho rằng giải quyết vấn đề di dân đến thành phố lớn là "tính đến bài toán kinh tế chứ không đơn thuần hành chính".
"Về lý thuyết, bỏ điều kiện riêng là đúng rồi, nhưng Ban soạn thảo phải nghĩ ra cách điều tiết di cư tự do", ông Huệ nói.
Cũng ở đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, bà Trần Thị Quốc Khánh và ông Nguyễn Phi Thường bày tỏ lo lắng khi Quốc hội đang phải thảo luận cơ chế đặc thù cho Hà Nội phát triển do áp lực hạ tầng lớn, nếu bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú thì áp lực này sẽ tăng lên rất nhiều.
"Thủ đô đang khó khăn như thế, nếu Luật Cư trú (sửa đổi) ban hành mà không có cơ chế thích ứng thì không ổn, nên tôi đề nghị Ban soạn thảo xây dựng lộ trình để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi", bà Khánh nói.
Tại đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, ông Ngô Minh Châu - Phó chủ tịch UBND thành phố, nêu thực tế, mỗi năm, TP HCM tăng 200.000 dân, trong khi các điều kiện về cơ sở hạ tầng, văn hoá, giáo dục để phục vụ đời sống không tăng kịp.
"Nếu dân số tăng như hiện nay đã là áp lực lớn. Trong khi dự thảo Luật này sửa đổi theo hướng bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú, con số tăng lên hàng năm có thể nhiều hơn nữa, gây sức ép nặng nề cho hệ thống dịch vụ công thành phố", ông Châu nói.
Vì vậy, ông Châu đề xuất có quy định để các đô thị như TP HCM phát triển cơ sở hạ tầng, văn hoá kỹ thuật đáp ứng kịp với sự gia tăng dân số, tránh tình trạng dân số tăng trước, sở sở hạ tầng "chạy theo sau".
Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu tại kỳ họp này và sẽ được thông qua tại kỳ họp cuối năm 2020.
Hoàng Thuỳ - Viết Tuân