Từ ngày 13 đến 20/12, Hà Nội ghi nhận 11.206 người mắc Covid-19, trung bình mỗi ngày trên 1.400 ca, gần gấp đôi trung bình mỗi ngày tuần trước đó (758 ca). Riêng ngày 20/12, thành phố ghi nhận 1.641 F0, cao nhất từ trước đến nay.
Số ca cộng đồng một tuần gần đây ở Hà Nội cũng ở mức cao, trung bình khoảng 500 ca mỗi ngày.
Số ca nhiễm tăng cao, quận Đống Đa, Hai Bà Trưng chuyển màu "cam" - cấp độ nguy cơ cao và đã dừng hoạt động không thiết yếu. Ngoài ra, 14 phường, xã tại 7 quận, huyện khác đưa ra yêu cầu tương tự. Đường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thường ngày có cả trăm quán ăn lớn nhỏ mở cửa đón khách. Nhưng từ trưa 19/12 khi phường Yên Phụ yêu cầu chỉ được bán mang về do chuyển màu cấp độ dịch từ "vàng" sang "cam", con phố trở nên vắng vẻ. Bên ngoài nhiều cửa hàng ăn uống là dòng thông báo ngừng phục vụ tại chỗ.
Không có khách, bà Nguyễn Minh Tuyết, chủ một quán bún trên đường Yên Phụ, ngồi lướt điện thoại. Bà cho biết trước đây bình quân mỗi ngày bán trên dưới 100 bát bún, hiện chỉ còn một nửa. Việc bán hàng của bà Tuyết và nhiều cửa hàng khác ở Yên Phụ phụ thuộc vào các app đặt và giao đồ ăn.
Quận Tây Hồ thuộc cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng) nhưng hai phường Yên Phụ và Quảng An ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam) nên được áp dụng các biện pháp cao hơn để phòng, chống dịch: Dừng một số hoạt động không thiết yếu như văn hóa, thể thao, giải trí; các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán mang về...
Cũng có hai phường ở cấp độ 3 là Vĩnh Hưng, Thanh Trì, quận Hoàng Mai đã yêu cầu hai phường dừng các hoạt động không thiết yếu. Tuy nhiên, khác với không khí buôn bán trầm lắng ở Yên Phụ, trên phố Tân Khai, phường Vĩnh Hưng, việc mua bán mang về diễn ra khá nhộn nhịp. Anh Trương Văn Quý, chủ một quán vịt quay lu, nói việc kinh doanh "chỉ bị ảnh hưởng chút ít, mỗi chiều tôi vẫn bán được 20 con, gần bằng trước".
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cấp độ dịch được đánh giá dựa trên ba tiêu chí: Số ca nhiễm mới/100.000 dân/tuần; tỷ lệ tiêm vaccine; năng lực thu dung, điều trị.
Hiện tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội đã đạt 96,1%, người từ 50 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi vaccine đạt 94,5%. Cả hai tỷ lệ này đều vượt ngưỡng theo yêu cầu của Bộ Y tế (70% và 80%).
Thành phố đã thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và có kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Các quận, huyện, thị xã đều thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế cấp phường để đáp ứng khi dịch xảy ra.
Do đó, việc đánh giá cấp độ dịch của TP Hà Nội hiện chỉ phụ thuộc vào số ca mắc mới trong cộng đồng/1.000 dân (mức 3, từ 50 đến dưới 150 ca; mức 4, từ 150 ca trở lên). Các quận, huyện, thị xã có thể giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Hai quận đang ở cấp độ 3 là Đống Đa và Hai Bà Trưng đều có số ca mắc cộng đồng trong 14 ngày qua trên 1.000 dân lần lượt là 228 và 179. Ngoài ra, quận Hoàng Mai có tổng số ca cộng đồng 1.193 (cao hơn Hai Bà Trưng), nhưng quận này vẫn ở cấp độ 2 do dân số đông. Dân số quận Hoàng Mai hiện gần 535.000 người, cao gấp đôi hầu hết các quận, huyện còn lại.
Số liệu thống kê ca bệnh những ngày gần đây cho thấy nhiều quận đang có số ca mắc cộng đồng cao như Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Ba Đình... Nếu những ngày tới các địa bàn này tiếp tục ghi nhận ca nhiễm tăng, nguy cơ "chuyển màu" lên cấp độ 3 có thể xảy ra dù không mong muốn. Theo quy định khi ở cấp độ 3, địa bàn sẽ phải dừng hoạt động không thiết yếu.
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng "việc dừng các dịch vụ không thiết yếu trong phạm vi một vài quận, huyện không còn hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay". Số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao "đã được dự báo từ trước". Thành phố cần phân loại xem trong số ca nhiễm mỗi ngày, có bao nhiêu F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng; bao nhiêu F0 nặng phải nhập viện; bao nhiêu tử vong. Nếu tỷ lệ chuyển nặng thấp thì dù số F0 tăng cao cũng không quá lo ngại.
"Nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, các quận trung tâm đồng loạt đóng cửa dịch vụ không thiết yếu sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân", ông Hùng nói, đề xuất việc các địa bàn nâng cấp độ dịch theo số ca nhiễm chỉ nên để người dân cảnh giác cao hơn, thực hiện nghiêm 5K.
Cùng quan điểm, thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn cho rằng các biện pháp mang tính chất giãn cách xã hội cục bộ hiện nay không còn phát huy tác dụng, bởi Hà Nội có mật độ giao thương, làm ăn, buôn bán, đi lại rất lớn. Nếu một số địa bàn như Đống Đa, Hai Bà Trưng hạn chế dịch vụ thì người dân ở đây có thể đến nơi khác dùng dịch vụ. Ngược lại, nhiều người từ địa bàn khác hàng ngày sẽ đến hai quận này để làm việc, giao lưu.
"Nếu cứ áp dụng các biện pháp hạn chế dịch vụ như vậy, nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, sẽ phải kéo dài các biện pháp này. Không biết khi nào người dân, doanh nghiệp mới được mở cửa trở lại, trong khi hiệu quả chống dịch khó đo lường", ông Tuấn nói.
Phạm Chiểu - Viết Tuân - Võ Hải