Trong buổi lấy ý kiến diễn ra sáng 13/11, ông Võ Tiến Hùng - Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội (Công ty) cho hay, đề án nêu trên do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty và Viện kỹ thuật tài nguyên nước (Đại học Thủy Lợi) là đơn vị tư vấn.
Theo ông Hùng, sau khi cân nhắc các phương án, đơn vị tư vấn đề xuất thành phố lấy nước từ sông Hồng qua hệ thống máy bơm và đường ống áp lực để bổ cập cho hồ Tây và pha loãng làm sạch nước sông Tô Lịch.
Thành phố dự tính đặt trạm bơm cố định nằm cách chân cầu Nhật Tân khoảng 600 m, về phía hạ lưu. Hệ thống đường ống xả sau máy bơm gồm 4 ống đường kính 600 mm, kết nối vào đường ống chung có đường kính 1.200 mm, dẫn đến bể xử lý nước cạnh công viên nước hồ Tây. Tổng chiều dài đường ống dẫn nước khoảng 1.960 m, chạy dọc theo ngõ 464 Âu Cơ - Lạc Long Quân vào ngõ 612 Lạc Long Quân đến mương tiêu cạnh hồ Tây, vào bể lắng xử lý phù sa sông Hồng.
Nước từ sông Hồng được bơm vào hồ Tây, khi đạt mực nước cần thiết sẽ cho mở các cửa xả ra sông Tô Lịch. Theo phương án này, mỗi ngày TP Hà Nội dự kiến bơm hơn 134.000 m3 nước vào hồ Tây (bơm 26 ngày/tháng). Khái toán kinh phí cho dự án khoảng 150 tỷ đồng.
Ông Tô Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng, nội dung đề án trên không có gì mới so với các bản được lấy ý kiến trước đây và thực ra ý tưởng này từng có gần 40 năm trước.
"Giải pháp bổ cập nước hồ Tây và thông qua hồ Tây tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch được chuyên gia Liên Xô đề cập lần đầu tiên 1981, trong đồ án quy hoạch tổng thể phát triển Hà Nội", ông Tuấn cho biết.
Những năm sau đó, nhiều nhóm đã đưa ra các đề xuất cho việc cải tạo môi trường hồ Tây và hệ thống sông nội thành Hà Nội như: Lấy nước từ sông Đà cấp bổ sung cho sông Tích, Đáy, Nhuệ phục vụ nông nghiệp và môi trường kết hợp bổ cập nước cho hồ Tây, sông Tô Lịch; lấy nước từ hồ Hoà Bình, tận dụng cao độ mức nước hồ để thông qua hệ thống truyền dẫn tự động chảy bổ cập cho sông, hồ nội thành.
Đầu những năm 2000, Jica đề xuất dùng chính nguồn nước thải của thành phố, đưa về các trạm xử lý cục bộ làm sạch rồi bổ cập cho sông; gần đây nhất là việc thí điểm làm sạch hồ Tây, sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano của Nhật Bản... Nhưng tất cả các đề xuất trên đều không được thực hiện hoặc chưa thành công.
Từ thực tế đó, ông Tô Anh Tuấn cho rằng, "đề án lần này phải chứng minh được những ưu điểm so với các đề án trước đây về kinh tế, xã hội và môi trường; đồng thời cần tính tới chuyện sau khi hồ Tây, sông Tô Lịch đã được làm sạch thì khai thác thế nào để nâng cao giá trị văn hoá, cảnh quan".
Nguyên giám đốc công ty thoát nước Hà Nội Lê Minh Châu thông tin thêm, những năm 1996 -1998, thành phố Hà Nội cũng nhiều lần tổ chức hội thảo về chủ đề trên; nhiều đại biểu tham gia hội thảo hôm nay từng tham gia các hội thảo tương tự cách đây hơn 20 năm.
"Nếu hôm nay chúng ta không đạt được đồng thuận và vẫn có nhiều ý kiến khác nhau thì đề án chả bao giờ thực hiện được. Có lẽ sau 20 năm nữa lại có một cuộc hội thảo như thế này, tuy nhiên những người ngồi ở đây hôm nay chắc không thể tham dự", ông Châu nói.
Ông Châu cho rằng, đề án lần này có đầy đủ các yếu tố khoa học kỹ thuật, kinh tế, môi trường, văn hoá, lịch sử..., hơn nữa bối cảnh hồ Tây và sông Tô Lịch hiện nay đòi hỏi cấp thiết phải cải tạo môi trường, nếu để vài năm nữa thì sẽ không còn hồ, mà chỉ còn đầm, dòng sông Tô Lịch sẽ là dòng chết.
Ông Đồng Minh Sơn - nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu thực tế, lâu nay người dân các huyện ngoại thành "biết thừa nước sông Nhuệ, Đáy và Tô Lịch ô nhiễm, không thể tưới cây được nữa". Ở huyện Phú Xuyên, một trạm bơm cố định được xây dựng và dùng để bơm nước từ sông Đà cho nhiều khu vực ở huyện chứ không lấy nước từ các lưu vực sông kết nối với dòng chảy từ nội thành ra.
"Việc dẫn nước để làm loãng nước sông khu vực nội thành và dẫn dòng chảy đã được tính toán trước đây, chẳng hạn như lấy nước vào sông Đáy qua cống Cẩm Đình, cống ở sông Nhuệ. Nhưng giờ mực nước thấp không tự chảy được nên mới phải tính bổ cập nước bằng hệ thống máy bơm", ông Sơn nói và cho rằng việc bơm bước sông Hồng "cứu" sông Tô Lịch là cần thiết, nhưng về lâu dài thành phố cần có những đề án tổng thể hơn để giải quyết môi trường của sông, hồ trong nội thành.
Hồ Tây và sông Tô Lịch từng là một nhánh của sông Hồng. Tuy nhiên do thay đổi của lịch sử, hiện hồ Tây và sông Tô Lịch không còn kết nối tự nhiên với sông Hồng. Quá trình đô thị hoá và biến đổi khí hậu trong những năm gần đây dẫn đến tình trạng thiếu nước và ô nhiễm nguồn nước hồ Tây, sông Tô Lịch. Hiện nước bổ cập cho hồ Tây, sông Tô Lịch chủ yếu từ nước mưa và nước thải sinh hoạt.
Võ Hải