Ngày 6/11, HĐND TP Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài cho 30 đường, phố trên địa bàn. Cố Bộ trưởng Thủy lợi Hà Kế Tấn được đề nghị đặt tên cho một trong 27 đường, phố mới dịp này.
Tuyến phố dự kiến mang tên Hà Kế Tấn dài 1,4 km, rộng 10,5-13 m, kéo dài từ ngã ba giao cắt đường Trường Chinh, cạnh cầu Phương Liệt (bắc qua sông Lừ) đến ngã ba giao cắt cầu Lê Trọng Tấn thuộc quận Thanh Xuân.
Ông Hà Kế Tấn sinh ngày 30/6/1912 tại làng Mông Phụ, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ông từng đảm nhiệm các vị trí: Trưởng ban Công vận xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách hai tỉnh Nam Định và Hà Nam; Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (1955-1957); Bộ trưởng Thuỷ lợi (1963-1973) kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Trị thủy và Khai thác sông Hồng. Tháng 6/1973, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Thủy lợi và được giao nhiệm vụ Bộ trưởng phụ trách công trình thủy điện sông Đà (đến tháng 5/1978).
Gần 20 làm lãnh đạo ngành thủy lợi, cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn được ghi nhận là một trong những người kiến tạo nên bộ máy thủy lợi Việt Nam; xây dựng và quản lý các công trình thủy lợi, thủy điện và phòng chống thiên tai. Một số dự án, công trình nổi bật có sự đóng góp của ông như: công trình đại thủy nông Bắc - Hưng -Hải; trị thủy sông Hồng; xây dựng thủy điện Hòa Bình trên sông Ðà...
Từ tháng 4/1980, ông được giao làm Bí thư Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao Việt Nam và trực tiếp đảm nhận chức Chánh án cho đến khi nghỉ hưu. Năm 1993, ông được bầu là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội. Ông mất năm 1997 tại Hà Nội.
Tháng 6/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý di tích làng cổ Ðường Lâm và dòng họ Hà - Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khánh thành nhà tưởng niệm Bộ trưởng Hà Kế Tấn tại quê hương ông ở xã Ðường Lâm.
Trong 26 tên đường phố mới còn lại có nhiều nhân vật tiêu biểu như: Nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam Nguyễn Thị Duệ; Nguyễn Hy Quang, danh nhân góp phần xây dựng nền thịnh trị của đất nước cuối thế kỷ 17; danh y Hoàng Đôn Hòa (thế kỷ 16); Nguyễn Phan Chánh (1892-1984), một trong những họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương...
Thành phố cũng dự kiến điều chỉnh độ dài ba tuyến phố ở quận Long Biên gồm: Lâm Hạ, Nguyễn Lam và Vũ Đức Thận.
Nghị quyết đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố sẽ được cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội đầu tháng 12.
Võ Hải