Ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng giám đốc Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn cho biết, theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp TP Hà Nội, trong thời gian tới đơn vị này sẽ phát triển thêm nhiều đầu mối rau an toàn để giúp người dân được tiếp cận giá rẻ hơn.
Hiện đơn vị này đã xây dựng được 80 điểm phân phối rau, thực phẩm an toàn đến các khu dân cư, đơn vị hành chính..., với lượng rau khoảng 2,5 tấn mỗi ngày. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, nâng điểm phân phối lên 300-350 điểm, đến 2015 là 1.000 điểm. Mỗi điểm có tối thiểu khoảng 30 gia đình, cử một người làm tổ trưởng, mỗi ngày tổng hợp đăng ký từng gia đình ăn rau gì, rồi gửi về sàn trước 12 giờ trưa hôm trước. Hôm sau, xe sẽ chở rau được đóng gói, đưa đến tận nơi cho các gia đình.
Thứ 6 hằng tuần, sàn sẽ gửi báo giá tuần sau của tất cả các đơn vị cung ứng đạt chuẩn đã được Sở Nông nghiệp cấp phép và được niêm yết công khai tại điểm bán rau, thực phẩm sạch. Người tiêu dùng xem bảng giá và quyết định chọn đơn vị đặt hàng. Hiện các mặt hàng được phân phối tại những điểm này gồm rau, quả, chè đều được kiểm tra về chất lượng và cấp phép
Mô hình điểm phân phối (tổ tiêu dùng) được đề xuất xây dựng thí điểm từ cuối năm 2012. Các chuyên gia cho rằng, bằng cách này, người tiêu dùng sẽ được mua rau gần với giá gốc do tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng có thể kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Khác với các chợ đầu mối, ở các điểm phân phối, Chi cục Bảo vệ thực vật sẽ kiểm tra chất lượng và dán tem cho sản phẩm. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Nông nghiệp, hiện cơ chế để hỗ trợ cho các gia đình làm tổ trưởng vẫn đang chờ thành phố phê duyệt. Mô hình hiện cũng mới được thí điểm ở một số khu vực nội thành. Do đó, cơ quan này đang đề xuất thí điểm thêm ở khu vực ven đô.
Hiện, Hà Nội chỉ đáp ứng được 50-60% nhu cầu rau các loại, phần còn lại nhập từ các tỉnh. Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 16 tỉnh vệ tinh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng... để cung cấp rau, thịt, trứng, thủy sản các loại cho Hà Nội. Các sản phẩm ở 16 tỉnh trên, khi đưa lên sàn, Sở Nông nghiệp tỉnh đó phải đảm bảo được nguồn gốc, chất lượng an toàn.
Bàn về xu hướng sử dụng các loại rau củ hiện nay, ông Lưu cho biết, để trồng rau sạch, phải kiểm tra 4 yếu tố đất, nguồn nước, vi sinh vật và hóa chất. Hiện nay, nhiều cá nhân kinh doanh online quảng cáo là bán rau sạch được trồng ở quê. Tuy nhiên, không phải cứ không dùng hóa chất sẽ là rau sạch.
"Nếu rau được trồng ở quê, không dùng hóa chất nhưng sử dụng nguồn nước ô nhiễm, có độc tố để chăm sóc thì vẫn không được gọi là an toàn", ông Lưu nói.
Ngọc Minh