Sáng 3/3, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn. Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội (ban chỉ đạo liên ngành do công an làm thường trực), đợt tổng kiểm tra chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn một đến hết ngày 28/2 với trọng tâm tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định, ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.
Giai đoạn hai (1-31/3), Ban Chỉ đạo 197 sẽ tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng, trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định.
Giai đoạn ba (1/4-1/11), các lực lượng duy trì kiểm tra, xử lý, không để vi phạm tái diễn.
Thành phố đặt mục tiêu tạo chuyển biến về an toàn trật tự, nhất là tại 12 quận, trả lại nguyên trạng hè phố. Các trường hợp chống đối sẽ bị cưỡng chế, lập biên bản vi phạm hành chính, thu giữ phương tiện, đồ vật vi phạm, tháo dỡ biển quảng cáo, mái che, mái vẩy chiếm dụng hè phố, lòng đường.
Tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện không đúng quy định diễn ra phổ biến ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên. Phó chủ tịch thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá Hà Nội đã triển khai nhiều kế hoạch đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị và đã đạt kết quả tích cực, nhưng chưa duy trì, chưa tạo ra được sự bền vững.
Ông Sơn cho rằng lực lượng chức năng không quyết liệt, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, và đề nghị sau thời gian triển khai tập trung, các quận, huyện, thị xã đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp, phân tích mối tương quan giữa duy trì trật tự đô thị và phát triển của kinh tế - xã hội.
Theo ông Sơn, có sự mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế đêm với đảm bảo trật tự đô thị. Các cơ quan chức năng cần tham mưu báo cáo thành phố chính sách làm sao vừa đảm bảo mỹ quan, trật tự đô thị, nhưng cũng đảm bảo quyền kinh doanh, mưu sinh của người dân.
Công an thành phố được giao chủ trì xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè; tổ chức các diễn đàn tham vấn ý kiến chuyên gia, nhân dân để sớm có được nghị quyết của HĐND thành phố về vấn đề này.
6 năm trước, tháng 2/2017 Hà Nội tổ chức đợt lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Việc triển khai rầm rộ trong nửa năm, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau đó nhiều quận huyện không duy trì được, tình trạng lấn chiếm vỉa hè bán hàng, trông giữ phương tiện tái diễn.
Võ Hải