Chiều 30/5, ông Gilbert Sape, Giám đốc toàn cầu chương trình động vật hoang dã (Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới), cho biết riêng huyện Phúc Thọ có 139 con gấu bị nuôi nhốt ở 21 cơ sở. 17 năm qua, cả nước đã giảm từ 4.300 con gấu nuôi nhốt xuống còn 294 con, riêng Hà Nội chỉ giảm hơn 10 con, chủ yếu do chết.
"Hà Nội đang bị bỏ lại phía sau trong khi rất nhiều địa phương đã tích cực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu ở các cơ sở tư nhân để lấy mật", ông Gilbert Sape nói và cho rằng những nỗ lực của Hà Nội là chưa đủ để giảm tình trạng này.
Ông Gilbert Sape kể, năm 2016 khi đến một cơ sở nuôi nhốt gấu ở Phúc Thọ mới biết có tới hơn 20 con gấu, có con đã hơn sống hơn 15 năm trong lồng nhỏ vài mét vuông, nhiều con rụng lông, móm răng. Chủ cơ sở cho biết nuôi không phải mục đích thương mại mà chỉ để làm cảnh, bảo tồn.
"Tôi nghĩ không ai nuôi tới 20 con gấu để làm cảnh. Ở đây có sự nhập nhèm giữa nuôi nhốt gấu vì mục đích thương mại. Những hộ nuôi nhốt gấu với số lượng lớn nhiều khả năng để lấy mật", ông Gilbert Sape nói thêm.
Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới cho rằng việc nuôi nhốt gấu với mục đích lấy mật là mối đe dọa đối với loài cũng như quần thể động vật hoang dã. Việc này không góp phần lai tạo do ở quy mô nhỏ gấu con sinh ra sẽ bị cận huyết, không thể sống sót. Những con đã bị nuôi nhốt không có cơ hội sống trong tự nhiên.
Trước đó ngày 27/5, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) đã bắt giữ một chủ nuôi nhốt gấu có đăng ký ở huyện Phúc Thọ kèm 350 lọ mật gấu. Đây là số lượng mật gấu bị bắt giữ lớn nhất cả nước từ trước đến nay, chủ cơ sở phải đối diện với mức án 5 năm tù.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng, Phó phòng Cảnh sát môi trường, cho biết với quy định hiện hành thì việc kiểm soát hoạt động trích hút mật của các cơ sở nuôi nhốt gặp nhiều khó khăn. Vụ trên cảnh sát đã phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ trong một tháng để có thể bắt quả tang.
"Hiện hộ nuôi nhiều nhất là 18 con gấu, với số lượng này thì khó có thể nói là nuôi thú cưng mà phải có yếu tố thương mại vì mỗi ngày để nuôi một con gấu phải mất khoảng 100.000 đồng tiền thức ăn", thiếu tá Tùng nói và cho biết đã chỉ đạo công an cơ sở theo dõi những cơ sở này.
Ngoài ra, cơ quan công an đang nghiên cứu để tham mưu cho UBND TP Hà Nội đưa ra quy định kiểm soát hoạt động nuôi nhốt gấu thuận tiện hơn.
Lý giải về việc Hà Nội có số lượng gấu nuôi nhốt lớn nhất cả nước, ông Phạm Văn Mậu, Trưởng phòng Bảo tồn tài nguyên sinh vật rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội), cho rằng ở Phúc Thọ tồn tại làng nghề nuôi nhốt động vật hoang dã từ những năm 1990. Những năm trước, trung tâm bảo tồn gấu còn ít nên việc chuyển giao cho các đơn vị này còn hạn chế và gặp khó khăn.
Thành phố đang nỗ lực xóa bỏ tình trạng nuôi nhốt gấu. Tháng 1, UBND TP Hà Nội đã ra chỉ thị yêu cầu các quận, huyện nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, trong đó đặc biệt yêu cầu huyện Phúc Thọ tăng cường kiểm tra việc nuôi nhốt.