Sáng 28/7, thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô và đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhất.
Tham dự Lễ kỷ niệm có 2.500 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc, đại diện nhiều bộ, ngành và địa phương, các vị lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, công dân tiêu biểu của thành phố.
Trong phát biểu khai mạc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhắc lại lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô. Từ quyết định dời đô của vua Lý Công Uẩn năm 1010 đến quyết định chọn TP Hà Nội là Thủ đô năm 1945.
Ông Hoàng Trung Hải nói, trên con đường phát triển của mình, thủ đô Hà Nội đã thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ và một trong những dấu ấn thể hiện sự chăm lo đặc biệt của Trung ương, của cả nước cho sự phát triển Thủ đô là Nghị quyết số 15 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống", quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức; phát huy các thành tích đã đạt được, nghiêm túc khắc phục các hạn chế, tồn tại.
"Tất cả vì mục tiêu đưa Thăng Long - Hà Nội lên tầm cao mới, xứng đáng với sự quan tâm, giúp đỡ to lớn và niềm tin của Trung ương Đảng và nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế", ông nói.
Top 10 thành phố năng động nhất thế giới
Điểm lại những khó khăn trong những ngày đầu sáp nhập, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu, quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính tăng nhiều; điều kiện địa lý, dân cư, thói quen khác nhau; tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo lớn, vùng núi còn khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, khoảng cách giàu nghèo còn lớn...
Cùng với đó, 10 năm trước, hầu hết các đơn vị hợp nhất về Hà Nội trong tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư còn nhiều...
Tuy nhiên, theo ông sau 10 năm thành phố đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41% mỗi năm, là một trong 2 đầu tầu kinh tế của cả nước. Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008.
Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD mỗi người, gấp 2,3 lần so với năm 2008.
Không gian kinh tế của Thủ đô được mở rộng. Đến nay, Hà Nội có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD (tăng 2,5 lần so năm 2008), nộp ngân sách tăng 3,3 lần so với năm 2008.
Tổng đầu tư xã hội giai đoạn 2008 - 2017 đạt 2,03 triệu tỷ đồng. Năm 2017, tổng vốn đầu tư xã hội gấp 2,85 lần so với năm 2008, tăng trung bình hàng năm 15,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 3.237 dự án, vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD. Riêng hai năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 thu hút được hơn 12 tỷ USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút từ 1986 - 2015. Chỉ số PCI tăng liên tục, từ xếp thứ 53 lên thứ 13/63 tỉnh, thành phố vào năm 2017.
Thành phố duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng; chỉ số cải cách hành chính tăng từ thứ 17 lên thứ 2 vào năm 2017. Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới...
"Không bằng lòng với những kết quả đạt được"
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Nghị quyết số 15 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Hà Nội thêm không gian quy hoạch phát triển một Thủ đô văn minh, hiện đại, với tầm nhìn không chỉ 20 - 30 năm mà còn dài hơn nữa.
Đánh giá kết quả kinh tế xã hội Hà Nội đạt được sau 10 năm, bà Ngân cho rằng, trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, kinh tế Hà Nội vẫn tiếp tục tăng trưởng khá nhanh, khẳng định vai trò là trung tâm lớn và là đầu tàu kinh tế của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc.
"Tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực trong việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của lãnh đạo thành phố, lựa chọn những việc trọng tâm để tập trung chỉ đạo và xử lý kịp thời, có hiệu quả, đạt được những kết quả quan trọng", bà Ngân nói.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh những thành tựu đạt được, Hà Nội cũng còn những hạn chế yếu kém cần phải nỗ khắc phục.
"Các cấp, các ngành của Hà Nội, nhất là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thành phố không được chủ quan, bằng lòng với những kết quả đạt được mà cần nghiêm túc phân tích, làm rõ các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan của những yếu kém, khuyết điểm, để từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, kịp thời", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cũng tại buổi lễ, ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh địa giới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.
Ngày 29/5/2008, hơn 92% đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Theo nghị quyết này, với việc hợp nhất toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình), Thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ có diện tích 3.324,92 km2 với dân số gần 6 triệu người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, 575 đơn vị xã, phường, thị trấn. |