Thứ ba, 5/11/2024
Chủ nhật, 18/12/2022, 10:00 (GMT+7)

Hà Nội hạ ngầm lưới điện nâng cao mỹ quan đô thị

Hà NộiEVNHANOI hạ ngầm lưới điện, triển khai mô hình trạm biến áp không người trực tại nhiều khu vực trung tâm... giúp nâng cao độ tin cậy lưới điện, an toàn và mỹ quan đô thị.

Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) cho biết đã ngầm hóa 100% lưới điện trung thế khu vực nội thành Hà Nội. Theo đó, đơn vị đã hạ ngầm đường dây trung, hạ áp tại 180 tuyến phố với hơn 1.100 km dây dẫn và khoảng 4.000 tủ điện hạ thế, từ đó, thu hồi hơn 6.000 cột điện các loại.

Theo lãnh đạo đơn vị, bên cạnh yếu tố mỹ quan đô thị, việc hạ ngầm góp phần nâng cao độ tin cậy lưới điện, loại bỏ các sự cố gây gián đoạn quá trình truyền tải do người dân vô tình gây ra như kẹt bóng bay, thả diều, giàn giáo...; tăng năng lực, chất lượng dịch vụ cung ứng điện phục vụ khách hàng.

Bên cạnh mục tiêu nâng cao mỹ quan đô thị, EVNHANOI đầu tư các thiết bị hiện đại để giảm thiểu sự cố, đồng thời đảm bảo an toàn cho công nhân và người dân xung quanh trạm biến áp.

Trong đó, trạm biến áp 110kV Bắc Thành Công áp dụng mô hình trạm biến áp không người trực và công nghệ cách điện khí (GIS), có 13 module biến áp vận hành suốt ngày đêm. Đặc biệt, công nhân vận hành chỉ cần tới kiểm tra thiết bị trực tiếp định kỳ 1-3 ngày một lần, thay vì trực 24/24 như trước.

Hiện, tất cả các hoạt động vận hành, kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố tại trạm biến áp đều được thực hiện từ xa bởi Trung tâm điều khiển thuộc Trung tâm điều độ hệ thống điện Hà Nội. Theo anh Phạm Đình Luật - Đội trưởng đội quản lý vận hành số 2 Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội, các công đoạn kiểm tra trực tiếp hiện tại chỉ kéo dài khoảng hai tiếng.

Tại trạm biến áp không người trực, công nhân chỉ cần kiểm tra các dấu hiệu như âm thanh, màu sắc, nhiệt độ... bởi hầu hết các thông số đều hiển thị ở trung tâm điều khiển. "So với đội ngũ hơn 80 nhân lực cho 7 trạm như trước đây, bây giờ, chúng tôi chỉ cần 20 người là có thể vận hành trơn tru", anh Lập nói thêm.

Trước đây, mỗi trạm biến áp bao gồm rất nhiều thiết bị 110kV riêng lẻ, đặt ngoài trời và dễ gặp nguy cơ sự cố do tác động từ bên ngoài. Với công nghệ GIS, máy chống sét, dao cách ly, máy cắt được tích hợp trong các thiết bị cách điện khí, đặt trong nhà, bao quanh bởi kim loại và bơm đầy khí SF6. Trạm chỉ còn hai máy biến áp đặt ngoài trời.

Các thiết bị trong trạm GIS không chỉ nhỏ gọn mà còn đảm bảo an toàn cho người vận hành. Công nhân có thể chạm vào thiết bị, thay vì cấm đến gần như trước đây.

Theo EVNHANOI, tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Thủ đô Hà Nội dẫn tới nhu cầu sử dụng điện gia tăng không ngừng. Tuy nhiên, với mật độ cư dân ở đây, việc lắp đặt thêm trạm biến áp rất khó do không đáp ứng mặt bằng. "Trạm biến áp không người trực theo đó phát huy tác dụng tối ưu diện tích sử dụng. So với hàng loạt thiết bị cồng kềnh đặt ngoài trời như trước đây, trạm biến áp GIS chỉ cần diện tích bằng 1/3", đại diện EVNHANOI cho hay.

Khu vực này cũng có hệ thống cảm biến chống xâm nhập, trực tiếp cảnh báo về trung tâm nếu có phát hiện bất thường.

100% các trạm biến áp 110kV và 220kV trên địa bàn thủ đô đều đáp ứng tiêu chuẩn vận hành không người trực và được trung tâm điều khiển vận hành từ xa. Tuy nhiên, các bộ phận này sẽ tái lập khi bị mất kết nối với Trung tâm điều khiển thuộc Trung tâm điều độ hệ thống điện Hà Nội.

Anh Lập cho biết, trong thời gian tiếp nhận Trạm biến áp 110kV Bắc Thành Công, trung tâm điều khiển của trạm chưa từng phải tái lập do sự cố.

Trung tâm điều khiển đầu não thuộc Trung tâm điều độ hệ thống điện Hà Nội. Tại đây, mỗi ca trực bao gồm 4 người, kiểm soát vận hành toàn bộ gần 60 trạm trên toàn địa bàn thành phố. Trung tâm có điều độ viên trực 24/24, thao tác xa tất cả thiết bị của trạm biến áp 110kV và 220kV, chỉ huy điều độ lưới điện của thành phố. Tất cả thao thác đóng cắt thiết bị đều được thực hiện bởi điều độ viên, từ đó, có thể giải phóng nhân công trực vận hành.

Chị Hoàng Thị Thuỳ Dương - điều độ viên kiêm Trưởng kíp Trung tâm điều khiển chia sẻ, trong thời gian làm việc tại đây, chị có ghi nhận sự cố nhưng đều đến từ lý do khách quan, ví dụ như thời tiết, ngoại vật... Tuy nhiên, thời gian khắc phục rất nhanh do có hệ thống tự động đóng cắt. Quá trình truyền tải điện không bị gián đoạn, từ đó, nâng cao độ tin cậy cấp điện.

Nhật Lệ
Ảnh: Ngọc Thành