Chiều 1/9, tại lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt cho năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết với tình hình dịch hiện tại, mức giảm học phí là 50%. Sang học kỳ II, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngành sẽ tiếp tục tham mưu để có thể miễn giảm 100% học phí cho người học.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục thủ đô cũng sẽ rà soát, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, học sinh khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, đảm bảo mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau". Một số phong trào tiếp tục được đẩy mạnh như "Máy tính cho em" nhằm hỗ trợ học sinh về thiết bị học tập trực tuyến.
Ngoài miễn giảm học phí, hỗ trợ thiết bị học tập, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng chỉ đạo các trường đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, có phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của người học nhằm ứng phó với tác động của Covid-19.
Hà Nội hiện có khoảng 2,1 triệu học sinh, chiếm 10% tổng số học sinh của cả nước. Các em sẽ bắt đầu năm học mới với buổi học trực tuyến đầu tiên vào ngày 6/9, riêng lớp 1 là 13/9.
Hôm 27/8, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021 về cơ chế thu, quản lý và miễn, giảm học phí, trong đó nêu khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, UBND tỉnh sẽ đề xuất với HĐND cấp tương ứng xem xét không thu học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, nghiên cứu sinh trong khu vực bị ảnh hưởng. Tùy mức độ và phạm vi chịu tác động, thời hạn được miễn học phí sẽ được cân nhắc.
Trước đó, Đà Nẵng và Quảng Ninh đã quyết định miễn học phí cho tất cả học sinh trong năm học 2021-2022. Lãnh đạo UBND TP HCM cũng đã đồng ý chủ trương miễn phí học kỳ I cho tất cả học sinh.
Theo quy định của Luật Giáo dục, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập và trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.