Hợp đồng giữa Phạm Tuấn Hải và Hà Nội FC sẽ kéo dài đến 2027. Mức lương và lót tay được giữ kín, nhưng Giám đốc điều hành Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định đãi ngộ xứng đáng với trình độ và đóng góp của cầu thủ này.
Tuấn Hải sinh năm 1998, trưởng thành từ lò đào tạo trẻ Hà Nội. Anh thi đấu cho Hà Nội B - đội sau đó chuyển khẩu thành CLB Hà Tĩnh năm 2019, lập tức vô địch hạng Nhất để lần đầu lên chơi V-League 2020. Hai năm sau, Phạm Tuấn Hải trở lại Hà Nội FC giành suất đá chính và có cú ăn ba V-League, Cup Quốc gia, Siêu cup Quốc gia.
Sau ba mùa giải, Tuấn Hải ghi 25 bàn, có 12 kiến tạo sau 69 trận ở V-League. Anh nằm trong đội hình tiêu biểu V-League 2022, 2023 và giành Quả bóng bạc Việt Nam 2023, đồng thời thường xuyên đá chính ở đội tuyển quốc gia ba năm gần nhất.
Ngoài đãi ngộ, Hà Nội FC và Tuấn Hải thống nhất điều khoản cho phép và hỗ trợ cầu thủ ra nước ngoài thi đấu ngay lập tức. Tiền đạo quê Hà Nam muốn sang Nhật Bản chơi bóng khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp và xác định trình độ cá nhân. Anh hy vọng có thể kịp sang Nhật Bản vào tháng 8 – thời điểm mở thị trường chuyển nhượng giữa mùa, đồng thời xác định sẽ mất khoảng nửa năm để hoà nhập môi trường mới.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, Phạm Tuấn Hải khẳng định đã chuẩn bị rất kỹ vì ấp ủ giấc mơ ra nước ngoài từ lâu. Anh cũng thường xuyên nói chuyện với Công Phượng – đang chơi cho Yokohama FC ở J-League 2 – để hỏi về việc sinh hoạt, cách tập luyện ở Nhật Bản. Tuấn Hải đã trau dồi ngoại ngữ hai năm qua để có thể giao tiếp với đồng đội và HLV, tạo thuận lợi cho công việc. Ngoài ra, Tuấn Hải còn hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ ông Daiki Iwamasa – HLV Nhật Bản đang dẫn dắt Hà Nội FC.
"Tôi không lo lắng, chỉ cần có cơ hội thể hiện hết khả năng", Tuấn Hải cho biết. "Tôi nghĩ bản thân không khó thích nghi với Nhật Bản, vì hợp với dinh dưỡng và phong cách sống".
Tuy nhiên, Tuấn Hải chưa thể xác định chính xác điểm đến, cũng như khả năng được thi đấu ở J-League 1. Hà Nội FC đang huy động các mối quan hệ để đáp ứng nguyện vọng cầu thủ, nhưng còn phụ thuộc cả vào năng lực cầu thủ.
Về lý do ký hợp đồng nhưng lại tạo điều kiện cho cầu thủ ra nước ngoài, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết định hướng của Hà Nội là chắp cánh giấc mơ và hỗ trợ tối đa cho cầu thủ. "Tôi tin sẽ tìm được CLB phù hợp với cầu thủ", ông Tuấn nói.
Chủ tịch Đỗ Vinh Quang thì cho biết Hà Nội có kinh nghiệm ở quá khứ, khi hỗ trợ đưa Lê Công Vinh sang CLB Bồ Đào Nha Leixoes năm 2009, hay Đoàn Văn Hậu sang CLB Hà Lan SC Heerenveen mùa 2019-2020. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kỳ vọng có cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thành công như Thái Lan. "Nếu Tuấn Hải rời đi là mất mát nhưng cũng là sự cống hiến cho nhiều bên", ông Vinh Quang cho hay. "Nếu thành công ở nước ngoài, Tuấn Hải sẽ tạo tiếng vang cho bóng đá Việt Nam".
Thái Lan hiện có hai cầu thủ thi đấu ở Nhật Bản, là tiền vệ Ekanit Panya (Urawa Reds Diamond), Supachok Sarachat (Consadole Sapporo). Trước đó, hai trường hợp thành công nhất Chanathip Songkrasin chơi cho Consadole từ năm 2017 đến 2021, Theerathon Bunmathan chơi cho Vissel Kobe năm 2018, cùng Yokohama F.Marinos từ năm 2019 đến 2021, với chức vô địch J-League 1 2019.
Ngoài Công Phượng thi đấu ở J-League 2, Việt Nam từng có Lê Công Vinh chơi cho Consadople năm 2014, Nguyễn Tuấn Anh tại Yokohama FC năm 2016. Trong khi đó, Đặng Văn lâm là cầu thủ đầu tiên thi đấu tại J-League 1 cho Cerezo Osaka năm 2021 và lượt đi 2022. Tuy nhiên, Văn Lâm không được ra sân.
Hiếu Lương