Tối 15/10, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội cho hay, tại các vị trí chốt trực, lực lượng cảnh sát duy trì để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý các tình huống phát sinh, tuy nhiên không kiểm tra người và phương tiện đi qua chốt.
Riêng chốt số 8 ở Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), lực lượng chức năng rút về từ ngày 14/10.
Ghi nhận trong ngày 15/10, phương tiện và người dân vào thành phố không phải trình giấy xét nghiệm Covid-19 tại các chốt cửa ngõ.
Theo lãnh đạo Công an Hà Nội, trong trường hợp không kiểm tra người và phương tiện lưu thông qua chốt trực, lực lượng chức năng vẫn phải kiểm soát đi lại của người dân bằng nhiều giải pháp, đơn cử như ứng dụng công nghệ thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư. Mỗi gười dân có mã QR riêng, đi đâu quét đó để kiểm soát.
Chính quyền cũng sẽ tăng cường kiểm soát tại khu dân cư, tổ dân phố để phát hiện người từ nơi khác đến; tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm phòng chống dịch.
Sau khi nới lỏng vận chuyển hành khách hàng không, đường sắt và đường bộ, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội dự kiến hàng triệu người chưa hoàn thành tiêm chủng, gồm sinh viên, người lao động, các nhà đầu tư, chuyên gia, doanh nghiệp từ các địa phương khác nhau sẽ trở lại, hoạt động trên địa bàn.
22 chốt cửa ngõ Hà Nội lập từ 14/7 tại các tuyến đường: Từ Hà Nam về Hà Nội tuyến quốc lộ 1A, 1B; từ Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang về Hà Nội theo tuyến quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; từ Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên về Hà Nội. 10 ngày sau (24/7), Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân không được ra, vào thành phố, trừ trường hợp đặc biệt.
Từ 21/9 đến nay, người ngoại tỉnh muốn về Hà Nội phải không thuộc địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi làm việc và kết quả xét nghiệm nCoV âm tính trong vòng 3 ngày. Khi qua chốt, người dân quét QR Code để khai báo y tế.
Tất Định