Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thành tích chung của giải là sự thiếu vắng của hàng loạt gương mặt quan trọng như Trương Thanh Hằng, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch... Ngoài ra, Vũ Thị Hương bị chấn thương nên không tham dự 2 nội dung sở trường là 100 m và 200 m, còn Vũ Văn Huyện cũng chỉ dự nội dung nhảy xào và bỏ qua nội dung tốn sức là 10 môn phối hợp.
Trong bối cảnh chung đó vẫn có một số thành tích xuất sắc nổi bật như tấm HC vàng nội dung 400 m nữ của Nguyễn Thị Oanh với thành tích 52 giây 97. Thành tích này vượt xa HC vàng SEA Games 26 của Treewadee Yongphan đến hơn một giây (54 giây 13) và vượt 40% giây so với thành tích HC bạc châu Á của VĐV Ấn Độ Poovammamr (53 giây 37). Nếu so với thành tích thế giới thì chỉ số 52 giây 97 cũng chỉ kém tấm HC vàng trẻ thế giới của Sabrina Bakare (người Anh, 52 giây 77) 20% giây.
Ngoài ra, trong ngày thi đấu cuối cùng, Trần Thị Huệ Hoa đã vượt kỷ lục SEA Games nội dung nhảy ba bước do chính mình nắm giữ. Huệ Hoa đạt được thành tích 13,95 m, vượt 19 cm so với kỷ lục cũ mà chị lập tại SEA Games 26. Trong năm nay, Huệ Hoa cũng liên tiếp giành HC vàng tại giải quốc tế ở Đài Loan và Singapore. Vũ Văn Huyện cũng lập kỷ lục quốc gia nội dung nhảy xào với thành tích 4,90 m nhưng vẫn còn kém thành tích HC vàng SEA Games 20 cm nữa.
Dương Thị Việt Anh (Bạc Liêu) giành HCV nội dung 7 môn phối hợp nữ với tổng điểm 4968. Nguyễn Văn Huynh (Quân đội) đã giành HCV nội dung 200 m nam với thành tích 21,42 giây. Dương Văn Thái (Nam Định) đoạt HCV 1500m nam với thời gian 3 phút 52,16 giây. HCV nhảy sào nữ và ném lao nam đã lần lượt thuộc về Lê Thị Phương (Thanh Hóa, 4,1 m) và Nguyễn Trường Giang (Bến Tre, 67, 47 m).
Chung cuộc, đoàn Hà Nội đứng đầu với 12 HC vàng, 6 HC bạc và 9 HC đồng, tiếp theo lần lượt là Quân Đội (7, 7, 4), Nam Định (4, 4, 4), Vĩnh Long (4, 2, 2), Đà Nẵng (3, 3, 2)...
Nguyễn Tùng