Giá vé lượt, cự ly dưới 15 km có mức tăng thấp nhất từ 7.000 lên 8.000 đồng; 15-25 km từ 7.000 lên 10.000 đồng; 25-30 km từ 8.000 lên 12.000 đồng; 30-40 km từ 9.000 lên 15.000 đồng. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40 km là từ 9.000 lên 20.000 đồng.
Vé tháng có mức tăng trung bình 40%. Cụ thể học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng). Vé tập thể đi một tuyến 100.000 đồng (hiện 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện 140.000 đồng).
Người có công, người cao tuổi (60 trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt. Ngân sách thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ 30% vé tháng với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.
Nếu tăng như đề xuất, doanh thu bán vé tăng khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm. Sở Giao thông Vận tải dự báo khi mới tăng giá vé, số khách có thể giảm, nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Năm 2014, khi điều chỉnh giá vé, hành khách đi vé tháng giảm 3% nhưng doanh thu tăng 15%, vé lượt giảm 10%, doanh thu tăng 20%.
Lý giải cho đề xuất trên, Sở Giao thông Vận tải cho rằng từ năm 2014 đến nay thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014. Theo tính toán, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, tương ứng mỗi người chi 800.000 đồng "là chấp nhận được".
Sở cũng nêu các lý do khác như chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Tăng giá vé xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Giai đoạn 2015-2019, ngân sách thành phố trợ giá xe buýt trung bình 1.370 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020-2022 khoảng 2.200 tỷ đồng/năm và năm 2023 dự kiến 2.750 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì thẩm định phương án điều chỉnh giá vé xe buýt trong tháng 12, áp dụng từ 1/1/2024.
Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn. Toàn thành phố có 2.034 xe buýt, trong đó 277 xe sử dụng năng lượng sạch.
Năm 2022, vận tải hành khách công cộng gồm mạng lưới xe buýt và đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đáp ứng 18,5% năng lực vận tải, năm nay phấn đấu 21,5-23%, vẫn cách xa so với mục tiêu 35% vào năm 2025.
Võ Hải