Sáng 8/12, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch (ngày làm việc thứ hai, HĐND TP Hà Nội), Phó chủ tịch thành phố Hà Minh Hải cho biết với trạng thái mới là thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thành phố tiếp tục thực hiện "5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ", trong đó vai trò của mỗi người dân, gia đình vẫn quan trọng nhất.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 7-7,5%, Hà Nội đặt ra năm nhóm giải pháp: Y tế và phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội; Hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu đầu tư công và quản lý điều hành. Với lĩnh vực y tế, UBND đã báo cáo HĐND thành phố gói đầu tư 1.000 tỷ đồng để tăng cường cho y tế cơ sở.
Hà Nội cũng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chính sách của trung ương và bổ sung các nhóm đối tượng đặc thù, nhất là công nhân lao động trong công tác đảm bảo an sinh xã hội.
Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP Hà Nội đánh giá, một trong những tồn tại là sự thiếu hụt nhân lực, khó khăn trong mua sắm trang thiết bị vật tư phòng chống dịch, đặc biệt là với tuyến y tế cơ sở, y tế tuyến đầu. Lý do là hạn chế tài chính và sự khó khăn trong việc áp dụng các cơ chế trong điều kiện thông thường vào tình huống khẩn cấp.
Trong năm 2021, TP Hà Nội đã bố trí ngân sách trên 1.300 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Trước diễn biến dịch vẫn phức tạp với số ca mắc tăng cao đòi hỏi nhiều nguồn lực. Thành phố kiến nghị HĐND bổ sung nguồn ngân sách cho công tác phòng chống dịch; bổ sung chính sách đặc thù cho lực lượng tuyến đầu, tuyến y tế cơ sở.
Đại biểu Lê Thị Thu Hằng cho rằng câu chuyện chống dịch năm 2021 khác với năm 2020, không còn tư tưởng Zero Covid mà ở trạng thái bình thường mới. Thành phố đã thực hiện phương châm phân cấp cho cơ sở, chủ động 4 tại chỗ, tuy nhiên điều trị F0 tại nhà sẽ khiến các quận, huyện gặp nhiều khó khăn.
"Thành phố đã yêu cầu mỗi xã phường phải chuẩn bị 150 giường thu dung F0 thể nhẹ, nhưng quan trọng là phải có sự quan tâm đầu tư kinh phí", bà Hằng nói và mong muốn các đơn vị liên quan cùng vào cuộc để triển khai chính sách trên.
Từ ngày 29/11 đến 5/12, số ca mắc mới dao động 400 đến 600, ngày 6/12 ghi nhận kỷ lục 774 ca. Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến nay) là 14.546, trong đó 5.604 ca mắc cộng đồng và 8.942 ca là những trường hợp đã được cách ly.
Võ Hải